Thông Bạch Phật Đản PL: 2644; AL: Canh Tý; Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Cảm Niệm Phật Đản Trong Đại Dịch CORONA | Thương Nhau.... Chỉ Một Tấm Lòng | Tốc Xả Mê Đồ
Già Lam... Nơi Đếǹ | Cảm Nghỉ Về Ngày Phật Đảǹ | Tâm Sự Của Virus Corona

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Năm nào cũng vậy, gần tới ngày đản sinh của đức Phật, lòng tôi cảm thấy dâng lên bao nỗi rộn rã vui mừng. Vì đó là một ngày trọng đại thiêng liêng, một ngày mà cả nhơn loại trên hành tinh nầy đều quy ngưỡng cung kính hướng về. Thế mà năm nay 2020, tức kỷ niệm Phật đản lần thứ 2644, Phật lịch 2564, tôi cảm nghe lòng mình gợi lên bao nỗi ưu sầu khôn tả. Một không khí trầm lắng nặng trĩu bao phủ khắp cả ngôi chùa. Cảnh chùa vắng vẻ không còn rộn rịp tiếng người cười nói như những mùa Phật đản năm nào. Cây lá chung quanh cũng ủ rũ héo tàn như hòa nhịp trong nỗi niềm đau khổ u buồn chung. Cái không gian chánh điện rộng lớn, nay chỉ còn một vài vị Tăng, Ni hành lễ. Với cái nhìn bằng con mắt Tục đế, thử hỏi như thế làm sao không buồn cho được. Nhưng có buồn cũng phải chịu, chớ biết phân giải cùng ai. Bởi tất cả đều nằm trong một hoàn cảnh chung của mùa dịch cúm. Nạn đại dịch Covid-19 hiện đang diễn ra rất phức tạp. Nó cướp đi biết bao sinh mạng con người. Cả thế giới đều đắm chìm trong nỗi lo âu sợ hãi. Tuy nhiên, đối với người phật tử chúng ta, dù hoàn cảnh có trở ngại khó khăn nghiệt ngã đến đâu, thì việc tổ chức kính mừng đức Phật ra đời, chúng ta cũng vẫn tiến hành trong một lễ nghi khiêm tốn giới hạn. Nếu không tiện phô trương lớn lao bằng hình thức, thì chúng ta tăng cường năng lực nội dung. Nội dung Phật chất càng dồi dào, thì tinh thần giác ngộ của chúng ta càng cao. Thiết nghĩ, như thế lại càng xứng hợp với sự kiện lâm phàm của đức Phật. Bởi đức Phật ra đời cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là chỉ bày tánh giác cho hết thảy chúng sanh. Đó là tinh thần chuyển mê khai ngộ, chuyển tà thành chánh, chuyển phàm thành thánh. Phàm hay thánh, chánh hay tà... tất cả cũng từ ở nơi tâm thức của chúng ta mà ra. Kìa! hãy nhìn những đóa sen hồng vươn lên khỏi mặt nước để khoe hương khoe sắc với đất trời. Sen mọc lên từ bùn nhơ, nếu không có bùn nhơ thì không có sen. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ 4 câu kệ trong bài Phú của sơ tổ Trúc Lâm:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Tạm dịch:

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà của báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Đó là một sự thích nghi tùy duyên bất biến rất tuyệt vời của đạo Phật. Nếu còn biến thì không thể gọi là tùy duyên. Thích nghi với mọi hoàn cảnh mà không bị hoàn cảnh chi phối đồng hóa. Câu thứ ba Tổ muốn nhắc nhở khuyên chúng ta, không nên chạy tìm cầu ông Phật ở bên ngoài. Vì ông Phật bên ngoài chỉ là ông Phật giả tạo. Ông Phật ứng thân thị hiện ở Ấn Độ trong vườn Lâm Tỳ Ni, mà tất cả chúng ta đang hết lòng cung kính thiết lễ tưởng niệm, ông Phật đó cũng chỉ là ông Phật giả tạo bên ngoài. Bởi vì sự cấu tạo hình thành thân thể của Ngài, cũng đều do nhân duyên giả hợp mà thành. Ông Phật đó chẳng qua ứng hiện ra đời là để giáo hóa thức nhắc chúng ta, nên nhớ lại ông Phật thiệt của chính mình. Ông Phật thiệt đó mới thật là của báu quý giá của ta (gia trung hữu bảo hưu tầm mích). Thế là ai ai cũng có sẵn ông Phật thiệt đó (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh - Kinh Niết Bàn). Đã thế, thì còn tìm cầu chi bên ngoài. Càng đi tìm thì lại càng không gặp Phật. Chi bằng ta hãy vô tâm, nghĩa là không để tâm dính mắc vào sáu trần, thì còn hỏi thiền làm chi nữa. Bởi thiền có nghĩa là tỉnh thức. Hằng giác là Phật. Phật thì không có mê, mê là chúng sanh. Giác mê thì mê diệt. Một niệm mê dấy khởi, thì lập tức có ông Phật độ liền. Mê đâu thì có giác đó. Như vậy thì Phật ra đời độ sanh liên tục không bao giờ dừng nghỉ. Muốn cho ông Phật dừng nghỉ, với điều kiện là chúng ta không còn mê nữa. Nghĩa là sạch hết vô minh phiền não. Đó mới thật là ý nghĩa của Phật ra đời. Còn chờ một năm ta mới thiết lễ tưởng niệm Ngài một lần, vậy thì những ngày khác chả lẽ ta cứ mãi sống trong mê lầm hay sao? Nói cách khác một năm ta mới có giác một lần, vậy thì còn lại 364 ngày kia không lẽ ta đắm chìm trong vô minh vọng tưởng sao? Câu hỏi nầy xin để mọi người tự quán chiếu suy xét lấy.

Qua bài kệ đó, ta thấy đó là tinh thần cốt lõi của đạo Phật. Như vậy trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, thiết nghĩ đây cũng là cơ hội tốt cho chúng ta. Tại sao ta không chuyển họa thành phước? Cũng như ta chuyển phiền não thành bồ đề hay chuyển sanh tử thành niết bàn. Chữ "chuyển" trong hoàn cảnh nầy đối với chúng ta, nó mang một ý nghĩa thâm sâu tuyệt vời. Thế thì, chúng ta cần nên đem ra áp dụng ngay. Hoàn cảnh càng khó khăn, thì ý chí mình càng vững chắc hơn. Điều quan trọng là chúng ta có bền chí kiên nhẫn hay không đó thôi. Người xưa có câu nói rất hay: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Nghĩa là tùy duyên, tùy cảnh mà vui sống. Sở dĩ dòng nước lưu thông không gì ngăn cản được, là vì nước khéo biết lòn lách vượt qua tất cả trở ngại. Ta cũng nên học hạnh nầy của nước. Cái gì cứng thì dễ gãy, cái gì mềm thì dẻo dai bền lâu. Đó cũng là nguyên lý sống.

Tôi nghĩ, đức Phật nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của chúng ta hiện nay, chắc Ngài cũng thương xót chúng ta lắm. Vì đức Phật biết rất rõ, đây là nghiệp quả của chúng sanh, trong đó có loài người chúng ta. Một cọng nghiệp mà chúng ta phải đương đầu gánh chịu. Trong khổ đau ta tìm ra hạnh phúc. Giáo lý của đạo Phật dạy ta, phải tìm cho được cái hạnh phúc an lạc ngay trong tâm mình. Nếu ta chỉ đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài thì đó chỉ là một ảo tưởng mà thôi.

Khi tâm ta có được hạnh phúc, thì lúc đó là Phật ra đời. Hạnh phúc chân thật chỉ là tên khác của Niết bàn. Ông Phật bên ngoài chẳng qua cũng chỉ là phương tiện thị hiện. Ngài có mặt với cuộc đời nầy, với mục đích duy nhất là nhằm khai thị cái tánh giác của ta. Trong Kinh Pháp Hoa thì gọi đó là Phật tri kiến. Cái thực thể bất sinh, bất diệt nầy dĩ nhiên, nó có rất nhiều tên. Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ là giả danh, giả tướng mà thôi. Trên đời nầy không có cái gì là chân thật cả. Phàm cái gì có hình tướng đều nằm trong phạm trù sinh diệt hư giả. Kinh điển đã dạy chúng ta rõ ràng như thế thì đâu còn gì phải nghi ngờ.

Tuy biết như vậy, nhưng cũng không phải dễ nhận, dễ sống. Đòi hỏi chúng ta phải có một quá trình bền chí tu học dài lâu. Tu hành ai cũng muốn cho mình có an lạc hạnh phúc cả. Chớ không ai muốn mình trầm luân trong đau khổ. Thế thì, muốn có an lạc, là ta phải chịu khó thực tập thôi. Con đường thực tập Phật dạy có nhiều cách. Nhưng cách nào cũng không ngoài con đường: "Niệm, Định, Tuệ". Đây là một con đường thù thắng thẳng tắt tiến đến thành Phật. Niệm là ta trở về có mặt thực sự trong giây phút hiện tại. Đã lâu rồi ta luôn rong chơi phiêu lưu thả trôi theo dòng đời sanh tử. Ta luôn bị hai ngục tù quá khứ và tương lai giam hãm. Ta bị thời gian và không gian luôn trói buộc. Đó là một ngục tù hai đầu làm ta mất hết tự do. Giờ đây, ta phải mạnh dạn quyết tháo tung hai cái ngục tù nầy để có được một đời sống thong dong tự tại. Tháo tung bằng cách nào? Bằng cách thực tập "Chánh niệm". Chỉ có chánh niệm mới tháo gỡ được cái niền kim cô "nhị nguyên" đó. Khi có chánh niệm thì chánh định sẽ xuất hiện. Niệm và định không rời nhau. Nầy nhe, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, nói chung là tất cả mọi hành động, ta đều phải có ý thức biết rõ ta đang làm gì. Đi ta biết ta đi. Ta đem tâm về hợp nhất với thân. Bởi thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt. Lâu nay ta có thói quen sống chạy theo hai đầu phân biệt. Hễ nói tốt thì phải có xấu. Hễ nói hay ta liền nghĩ ngay đến dở. Thế thì từng cặp đối đãi đó nó luôn kềm kẹp giam hãm ta. Sở dĩ ta chưa thoát ra được cái đau khổ là vì ta chưa có chánh niệm. Chánh niệm là lá bùa hộ mạng trong bước đầu thực tập của ta. Khi tâm ta được an định, thì chính đó là hạnh phúc, là niết bàn rồi. Như vậy niết bàn hay hạnh phúc chúng nằm ngay trong từng hơi thở, trong từng bước đi và trong từng nụ cười của ta. Khi đã có định rồi thì mặt trời tuệ giác có mặt ngay với ta. Nhờ có thanh gươm sắc bén của trí tuệ mà ta có thể chặt đứt tất cả những dây mơ rễ má phiền não. Đó là con đường khai thông tròn sáng để Phật ra đời luôn có mặt trong tâm thức ta. Sống được như thế, lúc nào lại không có Phật xuất hiện. Còn chờ một năm đến ngày rằm trăng tròn tháng tư âm lịch, ta mới cùng nhau phô trương tổ chức kính mừng Phật ra đời, đó là ta làm theo lễ nghi hình thức truyền thống. Thực tế, chưa chắc lúc ta làm lễ tiền hô hậu xướng, mà ông Phật thiệt của mình có mặt với ta ngay lúc đó. Chỉ cần dấy niệm thì Phật đã nhập diệt rồi. Kinh nói, dấy niệm là trái với tánh giác rơi vào trần lao. Vậy thì muốn cho ông Phật thiệt của mình thường xuyên có mặt, thì không cách gì hơn là chúng ta phải thực tập con đường: "Niệm, Định, Tuệ" đó thôi. Nếu ta đi ngược lại với con đường thiết yếu nầy, thì dù ta có tổ chức phô trương hình thức linh đình đến đâu, thì chất liệu nội dung vẫn là con số không rỗng tuếch. Nói thế, không có nghĩa là ta bỏ đi hình thức. Bởi hình thức có lỗi gì mà ta bỏ. Cái quan trọng trong đạo Phật thường nhắc nhở chúng ta là nương phương tiện để đạt đến cứu cánh. Mượn nôm để bắt cá, mượn ná để bắn chim. Ná và nôm chỉ là phương tiện. Chim và cá mới là cái cứu cánh mà ta nhắm tới. Nói cách khác là nương Sự để hiển Lý. Lý và Sự phải viên dung. Có thế thì việc tổ chức của chúng ta mới có được lợi ích cả hai. Xin chớ vội hiểu lầm là tôi đả phá hình thức. Tôi chỉ muốn nói lợi dụng hình thức để làm sáng tỏ nội dung mà thôi.

Tôi thiết nghĩ, trong hoàn cảnh dịch bịnh hiện nay, chúng ta không thể tổ chức rềnh rang, đánh trống thổi kèn linh đình inh ỏi bằng hình thức được, thì chúng ta nên đặt nặng phần nội dung Phật chất nhiều hơn. Nghĩa là chúng ta nên thực tập gìn giữ chánh niệm trong mọi hành động. Có thể chúng ta thực tập chánh niệm trong tứ oai nghi và những lúc tụng niệm, ăn uống, nghỉ ngơi v.v... Có thực tập nghiêm túc như thế, thì chúng ta sẽ có an lạc hạnh phúc ngay. Ta không cần phải tụ họp có mặt đông người. Bất cứ ở đâu, nơi nào, ta cũng có thể thực tập được cả. Tôi xin đề nghị, bước đầu ta có thể thực tập chánh niệm bằng cách quán niệm hơi thở trong ba bài thực tập đầu của 16 phép quán niệm do HT Thích Nhất Hạnh soạn dịch trong Kinh An Ban Thủ Ý. Đó là phương cách giúp ta rất cụ thể để có được chánh niệm.

Nếu mỗi hành giả phật tử thực tập được như thế, thì tôi nghĩ rằng kỷ niệm mùa Phật đản năm nay, thay vì chúng ta đặt nặng phô trương lớn lao về mặt hình thức lễ nghi, nay chúng ta có thể thay vào đó bằng một nội dung phong phú thiết thực của đời sống tâm linh. Như thế, tôi nghĩ rằng, nó sẽ mang lại nhiều sự lợi lạc cho bản thân ta cũng như cho gia đình và xã hội. Biết đâu đó là một hạnh phúc thật cao đẹp tuyệt vời mà không gì có thể so sánh được.

Nhân mùa Phật đản nầy, tôi xin chân thành kính chúc toàn thể Phật tử có một đời sống an lạc và tràn đầy hạnh phúc.

Thanh Trì

Back

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org