Thông Bạch Phật Đản PL: 2644; AL: Canh Tý; Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Cảm Niệm Phật Đản Trong Đại Dịch CORONA | Thương Nhau.... Chỉ Một Tấm Lòng | Tốc Xả Mê Đồ
Già Lam... Nơi Đếǹ | Cảm Nghỉ Về Ngày Phật Đảǹ | Tâm Sự Của Virus Corona

Đêm dần dần buông xuống. Không khí tỉnh lặng bao trùm lên vạn vật. Đâu đó trong cung điện, vang lên tiếng dép nhẹ nhàng của người thể nữ, vén lại tấm rèm ngọc đang buông rũ xuống góc giường. Hoàng hậu Maya đang say giấc nồng. Một đêm an ổn, thái bình như trăm ngàn đêm khác ở cung điện nước Kapilavatthu, một xứ sở cường thịnh nằm ở chân núi Hi Mã Lạp Sơn, phía Bắc Ấn Độ.

Từ bầu hư không tỉnh mịch, bỗng xuất hiện một chú bạch tượng sáu ngà, chiếc vòi xinh xắn cuốn chặt một đóa sen trắng, tượng bước đi thong thả quanh giường của hoàng hậu ba lần rồi dần ẩn mất vào không gian...

Oh , King ! A great son will be born to Queen Maya”

Giấc mơ tuyệt đẹp đó báo trước một điềm lành cho nhân loại. Một đấng giác ngộ sẽ ra đời cứu độ chúng sanh khỏi bể trầm luân đau khổ.  Kể từ đó đến nay đã hơn hai ngàn sáu trăm năm.

Mỗi năm vào ngày rằm tháng Tư âm lịch, những người con Phật đều nô nức đón mừng ngày đức Phật đản sinh và cùng nhau ôn lại đại hạnh vị tha của Ngài trên đường hoằng hóa độ sanh. Những chiếc bong bóng nhiều màu được tung bay cùng đàn bồ câu trắng, vút lên tận trời xanh. Từng hàng xe hoa với các dãy cờ năm sắc tung bay theo gió. Các đoàn sinh Phật tử tay nắm chặt lá cờ Phật giáo cở lớn và các em oanh vũ, nét mặt hân hoan đang song hành bên chiếc xe hoa. Tượng Đức Phật đản sinh đứng ở vị trí trang trọng nhất  trên xe. Tiếp theo là hàng dài những nam nữ Phật tử trong những bộ vest trang nghiêm và những tà áo dài truyền thông màu lam, những bộ váy trắng thêu ren tỉ mỉ của Phật tử Miến, Lào, Khmer...  Nhiều sắc tộc hội tụ cùng nhau diễu hành trên đường phố trong ngày hội và kết thúc với buổi cúng dường trai tăng ở nhà họp của Thành phố.

Tại các ngôi già lam, các cụ ông, cụ bà được các cháu dìu lên các bậc tam cấp để được chính tay cầm chiếc gáo dừa nho nhỏ , múc miếng nước thơm tắm Phật. Mùi hương trầm nghi ngút hòa quyện với mùi thơm của hoa sứ, hoa hồng trong chiếc bồn to chứa nước tắm Phật. Giọt nước tuôn chảy theo tiếng thì thầm nguyện cầu, nguyện cho phiền não trôi theo dòng nước, rửa sạch các nỗi ưu phiền vướng bận trong tâm mỗi người.

Nhưng,

Năm nay, hai ngàn hai mươi! Không khí rộn ràng vui tươi đón mừng đại lễ sẽ không còn nữa. Những người con Phật sẽ đón chào ngày Đức Phật ra đời theo một cách khác, trầm lắng hơn, cô đọng hơn trong bối cảnh cơn đại dịch COVID – 19 đang hoành hành khốc liệt trên toàn thế giới.

Reng...reng...

  • Dạ, bạch Sư, chúng tôi xin thông báo là nhà Dưỡng lão sẽ tạm đóng cửa trong hai tháng tới. Các bác sẽ tạm ngưng buổi sinh hoạt niệm Phật hằng tuần vào mỗi thứ sáu theo lệnh của Ban Giám Đốc. Xin kính báo để quý Sư Cô biết.

Tiếng chú Phong, trực văn phòng của Nhà Dưỡng Lão AVAS, vang lên trong máy. 

Chuyện gì đến đã đến !

Một cô nàng virus bé xíu đang hăm hở đến viếng trần gian và cô rất thích tìm vào “ khách sạn năm sao” ở phổi người. Từ lâu, cô đã được ấp ủ trong những phòng thí nghiệm bí mật trên thế giới và được biến chế từ những vi khuẩn độc hại nhất, kết hợp những tay anh chị lừng danh thời 2009 như SARS và MERS rồi cộng vào thêm một chút xíu độc hại tinh túy nhất của EBOLA  để trở thành COVID-19 mà tên cúng cơm ban đầu là Virus Vũ Hán.

Thế là nhân loại bắt đầu biết đến tên Corona virus hằng ngày, hằng giờ, rồi từng giây, từng phút. Người ta đua nhau tìm hiểu xem cô là ai, cha mẹ cô khai sinh cô ra đời từ lúc nào và cô sẽ đóng vai trò gì trong cuộc sống tất bật, bon chen, đầy ghềnh thác của chốn hồng trần này ???

Tuy vóc dáng của Cô vô cùng bé xíu, gần như vô hình  vì không thể thấy bằng mắt người thường, nhưng cô có một sức mạnh vô song, không thể nghĩ bàn. Cô đến và đi không cần booking và tốc độ nhân bản, lây lan nhanh hơn tia chớp. Với bản tính công bằng, bình đẵng khác thường, Cô ngang nhiên thăm viếng bất cứ ai cô muốn. Từ những vị lãnh đạo cao nhất một quốc gia như Tổng thống, Thủ Tướng hay một vị hoàng tử cao sang của hoàng cung... cho đến những tay bợm nhậu chuyên săn tìm những món đặc sản hiếm quý để thưởng thức và rất nhiều những người cùng đinh khốn khó chạy gạo hằng bữa... có duyên nợ với cô.

Chỉ trong vòng bốn đến năm ngày sau khi Cô bước chân vào một cơ thể người, cô tìm ngay đường đi gần nhất đến phổi và bắt đầu ra tay cho đến khi “khổ chủ “ nghẹt bít đường hô hấp, lên cơn sốt cao độ và không kịp phút nào viết tờ di chúc lại cho con cháu, người thân, đành tức tưởi ra đi vào nhà quàn, vào lò thiêu, thậm chí ngã vật ngay ra một góc đường phố nào đó, mặc cho thế sự thăng trầm, tranh danh, đoạt lợi...

Đã gần ba tháng qua kể từ cuối tháng 12 - 2019, nhân loại sống trong cơn ác mộng vì phải cật lực đối phó với một vị ác thần vô hình, vô tướng, nó khuấy động và đảo lộn tất cả những trật tự bình thường. Từ những tỷ phú tiền rừng bạc biển đến những người nghèo, khố rách áo ôm, chạy gạo từng lon. Từ những diễn viên tài tử điện ảnh, những bàn chân vàng của hội đá bóng... nức danh thiên hạ cho đến những kẻ vô danh, âm thầm sống lây lất bên lề xã hội đều biết đến Corona virus. Tin tức trên ti vi, báo chí, trên bàn họp của Quốc hội, chính phủ, hội đồng thành phố, trên face book, intagram, viber, you tube...và ngay trên bàn ăn, trên cửa miệng hay trong tâm tưởng của mỗi người đều bị thống lãnh bởi hình ảnh của cô nàng mang vương miện gai góc, lổm chổm kia.

Thoạt đầu, các siêu thị tràn ngập người xếp hàng đi vơ vét các kệ : gạo tăng giá theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân và người mua không còn chọn lựa gạo ngon hay dở, gạo Hoàng Gia hay gạo bông hồng, gạo Miên hay gạo Ấn độ...miễn là có là quý lắm rồi; muối, đường, nước tương và rất nhiều nhu yếu phẩm khác biến mất trên kệ, trong cửa hàng. Người ta hoảng loạn tranh nhau mua khẩu trang và giấy vệ sinh rồi nước rửa tay khô.

Cha mẹ đưa con đến trường hằng ngày, thấp thỏm lo âu và căn dặn con nhớ tránh xa các bạn học một chút, rửa tay thường xuyên và nhớ “ mét “ với Thầy Cô giáo ngay nếu có bạn nào bị ho trong lớp .

Những ngày tiếp theo, ở Úc, bệnh viện , các bác sĩ, y tá và các nhân viên cứu thương phải vô cùng vất vả để chăm sóc số bệnh nhân ngày càng gia tăng, trong các phòng cấp cứu, các giường bệnh tràn ngập người già trong khi ở Trung Quốc, Ý hay một số nước khác, lò thiêu hoạt động 24 – 24 , nhân viên nhà xác không còn đảm đương nỗi công việc chuyển tải xác chết, các bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc người già bắt đầu bị lây nhiễm và tử vong.  Con số thành phố trên thế giới như Vũ Hán, Hồ Bắc, Milan, Paris, Venis, Seoul, Busan... trở thành ổ dịch và đóng cửa biên giới, lãnh thổ... . Thuốc sát trùng được từng hàng xe truck xếp hàng ngang phun rãi trên đường phố. Tính đến nay, hơn hai triệu người trên thế giới bị lây nhiễm và con số này tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. WHO tuyên bố đại dịch và nhân loại bước vào cuộc chiến đấu mới với một đối thủ vô hình nhưng sự sát thương vô cùng hiệu quả.

Theo lệnh cấm ban hành và thay đổi từng ngày của chính phủ Liên bang và Tiểu bang, chùa phải thông báo đóng cửa và tạm ngưng các sinh hoạt tôn giáo.  Đường phố giảm bớt rất nhiều lượng xe cộ và người ta chỉ được phép ra đường với các lý do chính đáng như : mua thuốc, đi bệnh viện, đi khám bệnh, mua các nhu yếu phẩm, đi tập thể dục, đi làm...

Lệnh giới nghiêm được ban hành: nhà hàng, các tụ điểm sinh hoạt về đêm, các sinh hoạt thể thao, các nơi sinh hoạt tôn giáo, các siêu thị bán hàng xa xí phẩm, các dịch vụ như làm đẹp, massage, gym, ...đều tạm ngưng hoạt động. Các chuyến bay giảm dần rồi ngưng hẳn, số người bị mất việc ngày càng nhiều.  Du khách Úc trên thế giới tranh nhau bỏ hằng chục ngàn đô để có một vé máy bay  về lại Úc. Từng hàng người nối nhau hàng dài trước cửa Centrelink. Các ông bà già neo đơn không con cháu phải thức từ 7 giờ sáng để mua hàng nhu yếu, Nạn đói bắt đầu xuất hiện ở những nước nghèo, chưa chuẩn bị tốt cuộc chiến mới. Ấn độ là một điển hình với lệnh phong tỏa ép ngặt, những chiếc nồi son củ kỷ trống huơ, trống hoát. Những đôi mắt thất thần rão tìm cọng cây, ngọn cỏ hay bất cứ thứ gì có thể bỏ vào cái bao tử đang teo tóp, réo sôi.  Gạo, muối.. ở đâu hết rổi, ngoài đường vắng vẻ, không người, thỉnh thoảng mới nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương, những kệ hàng nhu yếu, nhà thuốc tây... ở những nước văn minh như Mỹ, Úc  đều được người ta dành nhau vét sạch.

Các cú điện thoại gọi vào chùa đều hỏi thăm Thầy Cô còn gạo ăn hay không, có mua rau cải được không?  Có cần chúng con đưa đi Bác sĩ ???

Sau một ngày làm việc vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở trên các nông trại nước Úc, trong ánh ráng chiều buông xuống, các vị Phật tử cui cúi chở đến chùa từng bao rau cải: nào dưa, nào khổ qua, bông cải, khoai tây, khoai lang... các cụ già lớn tuổi thì nhờ con cháu hái chùm bông điên điển vàng nghệ ngoài vườn, những dây rau lang xanh mướt và những nhánh rau “bò ngót” ngọt lịm, tươi xanh, từng quả bưởi chín vàng thơm phức, hàng chục quả chanh tươi, túi rau tần dầy lá, từng bó bạc hà cho nồi canh chua quê hương, nào rau tía tô, nào rau húng dũi, rau sam, rau dền...tất cả những gì có được trong vườn rau của mình để mang vào chùa, dúi vào tay quý sư cô.

 “Cô ơi có chút rau, đem vô cho quý Thầy, quý Cô nấu miếng canh cho dễ nuốt..”

Ngày chủ nhật không còn thọ bát, lúc mặt trời đứng bóng, hai khuôn vuông takeway bánh bèo nóng hổi, cùng keo nước chấm chanh ớt ngon lành được Phật tử hối hả đem vào cho kịp giờ thọ trai của Chư Tăng Ni.

  • Chúng con xin cúng dường bánh bèo cho quý Thầy Cô thọ dụng.  Hoàn cảnh này, chúng con không ở chùa được lâu, nên con xin phép ra về ngay. Kính xin quý Thầy Cô giữ gìn sức khỏe.

Hay có vị Phật tử khác, nhớ đến ngày chủ nhật không được vào chùa ngồi ăn quả đường cùng với quý Thầy Cô,  dù chỉ có một thân một mình và đã trên bảy mươi, vẫn thức từ sớm, tẩn mẫn xào món miến Đại hàn với nhiều loại bông cải, cần tây, cà rốt, rang thêm một chén mè trắng thơm lừng, rãi chút gừng để quý Thầy Cô ăn cho ấm bụng và có đầy đủ vitamin C, thêm phần bổ dưỡng, để đủ sức khỏe, chống lại dịch bệnh. Hoặc ra công nấu tàu hủ đường, làm bánh bao, đổ bánh bông lan, đổ từng hộp rau câu nước dừa thêm chút vị cà phê cho thơm.  Những vị khác tay nghề nấu ăn còn khiêm tốn thì sau giờ đi làm ở hảng xưởng, tranh thủ ghé chợ mua thêm ít rong biển, ít kí gừng, khoai lang tím, bắp, các loại hạt khô như pistatio, almond, kẹo khuynh diệp, đậu phọng rang... khệ nệ kêu con cháu chở vào chùa cúng dường.

Cô thợ chụp hình chuyên nghiệp ghi lại những thước hình sinh hoạt cho chùa, nay đã vắng hẳn công việc bận rộn như  chụp hình, chọn cảnh, in hình ảnh...nay có đủ thì gian ngồi nhà, edit lại những video clip, những slide và sắp xếp lại theo chủ đề Vu Lan, Phật Đản, Tết. Lâu lâu ghé chùa mang vài hộp bánh ướt mới đổ nóng hỗi cúng dường cho quý Thầy Cô.

Những câu nói nhỏ nhẹ, ân cần hàm chứa một mối tình cảm sâu xa của các vị Phật tử, chuyên tâm vâng lời Phật dạy là hộ trì ngôi Tam Bảo, cung cấp tứ sự , vật phẩm mọi thứ cho chùa có đủ phương tiện tu và học.  Tuy phải ở nhà nhưng tâm luôn hướng về chùa, người thì gia tâm tỉ mỉ đánh máy từng trang kinh để chùa chuẩn bị ấn tống, người thì dành thời gian may hàng loạt khẩu trang, nón ấm cho quý sư cô, người khéo thì may thêm các áo bồ đoàn mới cho đạo tràng, người hỏng biết may vá thì tranh thủ xếp hàng sớm trước Wooly để mua bình sữa, hộp dầu, trái bơ, bó cải, hộp đèn cầy hay các giò lan tím hiếm hoi cuối mùa còn sót lại ở cửa hàng bán hoa tươi để cúng Phật. Nhiều Phật tử có nhiều kiến thức về computer đã post lên viber, FB, những bài giảng pháp từ khắp nơi trên thế giới hay những lời Phật dạy mà ngày thường, mọi người ít tìm ra thời gian để nghe, để học. Những nhóm bạn đồng tu hay “thiện hữu tri thức” nay có nhiều thời gian nối kết nhau để tu học online. Bây giờ, hằng đêm, các Phật tử đã được nghe Thầy Trụ trì và chư tăng ni Chùa Quang Minh tụng Kinh Đại Bát Niết Bàn và có một thời pháp thoại ngắn. Sau đó, từ hàng chục ngàn cây số của xứ Na Uy lạnh tuyết, Thầy Giáo Thọ An Chí cũng nối kết qua Zoom. App để giảng một thời pháp và giải đáp Phật pháp cho Phật tử Úc Châu và Âu Châu. Quý Sư Cô Chùa Phước Huệ, sau thời kinh buổi tối, tiếp tục đến giảng đường hay ở tại liêu thất để học pháp. Tâm những người đệ tử cảm thấy vô cùng ấm áp khi được trực tiếp thấy, nghe hình ảnh sống động của các vị Thầy khả kính trên mạng lưới toàn cầu. Xin cảm ơn quý Phật tử giỏi về computer đã giúp cho Phật tử khắp nơi trên đất Úc có dịp thọ trì, đọc tụng kinh điển và được học, hỏi pháp Phật hằng đêm.

Hội tương tế của người Hoa cũng góp phần công đức với  những bao vật phẩm thiết yếu gồm mền ấm, khẩu trang, sữa lúa mạch.

Chợt nhận ra rằng, cô nàng Covid-19 cũng mang lại nhiều lợi ích cho con người bên cạnh những tác hại bẩm sinh theo nhiệm vụ mà nó phải thực hiện trong dây chuyền luân hồi, nghiệp báo!!

Trí tuệ con  người thật hi hữu. Người ta có thể uyển chuyển cuộc sống kịp thời để thích ứng tình thế, tập cách sống lạc quan, dũng mãnh đương đầu với khó khăn ập tới và ...

Thực đấy, still alive !  Con số người hồi phục sau cơn bệnh ngày càng tăng gần nửa triệu.  Con người dần hiểu thêm cô nàng virus bé xíu này và biết cách ...”sống với lũ”.

Nhân loại hiểu rằng mình phải tập sống theo một cách khác, giữ “khoảng cách” và quan tâm đến những người xung quanh mình, bày tỏ tình thương yêu rộng lớn hơn, biết hy sinh kể cả thân mạng của mình mà không cần được đền đáp như một số bệnh nhân nằm ở phòng ICU lắc đầu từ chối dùng máy trợ thở và thanh thản nhường máy lại cho những người cần nó khẩn cấp hơn mình.  Những bác sĩ, y tá điều dưỡng, nhân viên bệnh viện sau giờ tan ca, chỉ dám đứng lặng trước cửa nhà và nhìn những đứa con mình đang say giấc nồng rồi quày quả ra đi vì không muốn mình lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình.  Và lời Phật dạy từ bao nghìn năm nay là một lời khuyên vô cùng minh triết “ Tùy sở trụ xứ thường an lạc “

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khốc liệt như hiện nay, mới thấy được nguồn phước báu to lớn vô cùng đối với những người xuất gia ở khắp nơi nói chung và Tổ Đình Phước Huệ nói riêng.

Trên là nhờ ân sâu nặng của Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên Long, Hộ Pháp, Thiện Thần đã thùy từ gia hộ, dẫn dạy con đường sáng cho chúng đệ tử hành trì pháp Phật tự độ, độ tha, dồi trau tâm đức mỗi ngày, mỗi giờ, kế là ơn đức rộng sâu của Hòa Thượng khai sơn ngôi già lam hơn ba mươi năm nay thật không thể nào kể cho hết được. Quý Thầy Cô lớn đã thọ giới trước, bằng tình thương hết mực, với lòng từ ái vô biên, bằng thân giáo hay bằng lời ái ngữ đã kiên trì chăm sóc, lo lắng cho chúng đệ tử xuất gia trong chùa được an tâm tu học, vượt qua khó khăn.  Các người con Phật dù xuất gia và tại gia đều nêu cao tâm nguyện cùng nhau giữ gìn và phát triển ngày càng hưng thịnh nơi chốn tâm linh quan trọng ở đất Úc này.

Mùa Phật Đản năm nay, thay cho những dãy xe hoa đình đám, những buổi thọ trì Kinh tại Đại hùng Bửu Điện hằng trăm người, những thông điệp Phật Đản, những tíu tít đón rước khách thập phương tham gia hội tắm Phật, những tiếng trống rộn rã của đoàn lân chào đón Chư Tăng Ni quang lâm chánh điện... chúng đệ tử xin thành kính cúng dường lên chư Phật mười phương những đóa hoa hương gìn giữ giới hạnh, những miên mật công phu trì tụng Thần chú Đại Phật Đảnh Thủ Lăng nghiêm, chú Dược Sư, chú Đại bi và thọ trì các sám pháp, hồi hướng đến chúng sanh trong pháp giới được sớm thoát khỏi nhân tai, ách nạn. Người sống thân tâm thường an ổn. Kẻ qua đời sớm biết rõ đường lành, tu hành chuyển kiếp.

Chúng con sẽ kết thành những tràng hoa năm sắc của tâm thiện lành, tâm viễn ly, tâm hòa hợp... dâng lên Chư Phật, gói ghém câu niệm Phật trong từng bước kinh hành, trong từng hạt chuỗi nhỏ để thanh tẩy thân tâm, thu ngắn con đường đi đến tỉnh giác.

...Kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma,

Thiệu long Tam Bảo, thừa sự thập phương Chư Phật, vô hữu bì lao, tu học nhứt thiết pháp môn, tất giai thông đạt.

Mùa Phật Đản 2020 – Chùa Phước Huệ

Back

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org