CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.

Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999

PHẦN 1
BÌNH GIẢNG CHÍNH

QUY Y BÊN TRONG VÀ THIỀN ĐỊNH VỀ TÁNH KHÔNG

Thiền định “cái bình” : Bài tập thở chín vòng

Sau khi bạn đã quy y và những đối tượng quy y đã tan vào ánh sáng và hòa tan vào trong người bạn, bạn hãy thực hiện thiền định nhất tâm như vậy bao lâu bạn có thể là “một” với Heruka hay Vajradhara – tùy theo vị bổn tôn nào bạn quán tưởng như là đối tượng quy y – Khi các tư tưởng phân biệt nhị nguyên bắt đầu nổi lên, hãy phát Bồ đề tâm như tôi đã giảng ở trước. Theo quan điểm của sadhana, bạn không còn tự quán tưởng mình trong sắc thân thông thường, thay vào đó bạn xuất hiện trong sắc thân thiêng liêng của Heruka hay Vajradhara. Do đó, bạn không còn cảm thấy : “Tôi là như thế này, thế này…” cũng không còn tưởng tượng thân của bạn làm bằng thịt, máu, xương – nhưng bạn cũng không ôm ấp một niềm tự hào tuyệt diệu được là bổn tôn. >Điều này có nghĩa rằng bạn quán tưởng mình như là bổn tôn chứ không phát sanh lòng tin rằng mình “là” bổn tôn. Sau này bạn sẽ làm y như vậy nữa khi bạn tụng chú tịnh hóa khi thực hành pháp năng lực chữa lành.(4).

MỤC LỤC

PHẦN 1: BÌNH GIẢNG CHÍNH

  1. Tại sao và như thế nào chúng ta phải tịnh hóa
    . Bốn sức mạnh đối trị
    . Nghiệp   
  2. Quy y 
    . Quy y và phát Bồ đề tâm  
    . Quán tưởng đối tượng quy y  
    . Ba phương pháp quy y  
  3. QUY Y BÊN TRONG VÀ THIỀN ĐỊNH VỀ TÁNH KHÔNG
    . Sự thấu hiểu về tánh Không  
    . Phát Bồ đề tâm  
    . Thiền định “cái bình” : Bài tập thở chín vòng  
  4. PHƯƠNG PHÁP YOGA THỰC SỰ
    . Quán tưởng ban đầu  
    . Cúng dường Heruka Vajrasattva  
    . Quán đảnh nhập môn  
    . Cúng dường và ca tụng Heruka Vajrasattva
  5. Sự tịnh hóa 
    . Trì chú  

  6. Những thực hành kết thúc 

Giờ đây trong khi đang giữ hình tướng thiêng liêng của bản thân mình như là hóa thần, bạn thực hành thiền định cái bình. Trong việc thực hành này, hãy chỉ hít thở qua lỗ mũi và miệng ngậm lại. Hít vào và thở ra chầm chậm, tự nhiên, và trọn vẹn, nhưng có hơi mạnh một ít ở quãng giữa hơi, hơn là ở đầu hơi và cuối hơi. Chúng tôi nói rằng, cung cách mỗi hơi giống như hình ảnh hạt lúa mạch, nhọn ở hai đầu và rộng ra ở khoảng giữa. Chúng tôi không dùng phương pháp ép thở sâu trong những cách của yoga Hindu.

Có nhiều kinh mạch năng lực tâm linh trong cơ thể bạn. Ở đây chúng ta quán tưởng ba kinh chủ đạo. Kinh mạch trung ương là một ống trong suốt với bản chất là ánh sáng, rộng bằng đường kính ngón tay út của bạn, chạy từ luân xa trên đỉnh đầu, đi suốt qua trung tâm thân bạn, ngay ở phía trước cột sống tới luân xa ở đáy cột sống. Các kinh mạch bên phải và bên trái cũng là cột ống trong suốt có bản chất là ánh sáng nhưng hẹp hơn kinh mạch trung ương. Chúng đi từ hai lỗ mũi, ngược lên luân xa đỉnh đầu, ở đó chúng uốn cong lên giống như tay cầm cây dù để rồi chạy xuống dọc theo kinh mạch trung ương, song song với nó tới một điểm ở dưới lỗ rốn khoảng bằng chiều rộng bốn ngón tay, ở đây chúng nó uốn cong vào trong và nối với kinh mạch trung ương.

Khi quán tưởng những kinh mạch này rồi, trước hết bạn hít vào thông qua lỗ mũi trái, đầu tiên chậm, rồi hơi mạnh hơn, rồi sau chậm lại. Quán tưởng rằng không khí đi vào kinh mạch bên trái, chứa đầy hoàn toàn kinh mạch đó, rồi chuyển xuống và băng qua kinh mạch phải, rồi đi ngược lên và đi ra ở lỗ mũi phải. Không khí này đẩy ra ngoài tất cả năng lực và ấn tượng về những tham ái dính mắc của bạn và những thứ đó được tống khứ ra khỏi từ trường quả đất, đi khỏi hệ mặt trời và biến mất vĩnh viễn. Làm như vậy ba lần.

Hãy tập trung hoàn toàn vào sự di chuyển của không khí xuyên qua các kinh mạch, hãy để tâm của bạn làm thành “một” với sự di chuyển của năng lực không khí. Đừng nghĩ về những gì mà người bên cạnh đang làm hay việc gì khác. Đừng có coi các kinh mạch của bạn như những gì vật chất, làm bởi thịt và máu. Hãy nhớ : bạn đang quán tưởng mình như là sắc thân trong sạch của hóa thần và các kinh mạch là có bản chất tâm thức. Nhưng vì bạn đang không chấp giữ niềm tự hào là một hóa thần thiêng liêng nên bạn vẫn có thể tịnh hóa những mê lầm như tôi đã mô tả.

Lập lại ba lần với việc hít vào qua lỗ mũi phải rồi tống khứ không khí thông qua kinh mạch phải đi xuống và đi lên thông qua kinh mạch trái, nó đẩy ra tất cả năng lực và ấn tượng về sự ganh ghét, ác cảm của bạn – tất cả những gì làm cho bạn cảm thấy đen tối, khó chịu. Những thứ này cũng đi khỏi hệ mặt trời và và biến mất vào trong khoảng không vô tận. Bây giờ hãy hít vào thông qua cả hai lỗ mũi với nhau mang không khí đi qua hai kinh mạch xuống tới điểm nối vào với kinh mạch trung ương. Để giúp cho bạn tập trung vào đó, bạn có thể nuốt một ít nước bọt khi không khí đi xuống. Khi không khí chạm tới kinh mạch trung ương, hãy nhíu lại các cơ vùng chậu bên trong và đẩy năng lực từ luân xa dưới thông qua kinh trung ương lên tới luân xa ngang rốn, ở đó năng lực gặp được năng lực không khí từ trên xuống và trộn lẫn nhau. Giữ hơi thở lại và tập trung chú ý vào năng lực lạc mà bạn có thể cảm thấy được ở điểm đó. Điều này rất quan trọng. Ngay khi bạn không còn cảm thấy thoải mái, hãy thở ra tự nhiên thông qua hai lỗ mũi, nhưng hãy quán tưởng rằng thay vì đi ra ngoài, không khí mà bạn đã giữ lại đó bây giờ nó đi lên và tan biến vào kênh mạch trung ương. Làm như vậy ba lần.

Bài tập này rất có ích để phát sanh năng lực lạc ở trong hệ thần kinh của bạn. Sự thể nghiệm về năng lực lạc là một phần không thể thiếu được của phương pháp yoga Kim Cương thừa, do đó, bài tập này cũng có ích cho việc tu tập Kim Cương thừa của bạn. Chính cái năng lực lạc đó trên thực tế nó ở trong tâm bạn – và nó chính là tâm của bạn, chứ không của ai khác – nó biến hóa thành tòa sen và chữ HUM khi bạn tiến hành tu tập phần còn lại của sadhana.

Do đó, hãy bảo đảm chắc chắn rằng khi dứt thời thiền định cái bình, bạn cảm thấy tĩnh lặng, và phúc lạc và tâm bạn không còn cách gì để bị mắc dính vào những ý niệm thuộc về hành vi của vòng sanh tử hay những nơi chốn quen thuộc cũ. Bạn nên cảm thấy rằng bạn có được sự kiểm soát tâm bạn đến nỗi bạn có thể đưa nó vào bất kỳ đối tượng thiền định nào mà bạn chọn. Nếu tâm bạn bị quấy rối dao động bạn không thể thiền định được. Một lợi ích khác của bài tập này là nó phá tan những mê tín được phóng đại gây phiền não nó hay ngăn cản bạn không hoàn thành được việc tu tập pháp yoga.

Do đó, việc kinh nghiệm cái lạc ở luân xa rốn là rất quan trọng trong khi bạn giữ hơi thở và tập trung chú ý ở đó. Và đồng thời bạn nhận thức được rất rõ ràng, tỉnh táo về sự cảm xúc lạc đó. Cái lạc này thật đối nghịch với khoái lạc thông thường của vòng luân hồi sanh tử mà bạn thường kinh qua một cách không tỉnh táo, không có sự tỉnh thức. Tại sao hai kinh nghiệm này hoàn toàn khác nhau ? Bởi vì một kinh nghiệm bắt nguồn từ trí huệ, còn kinh nghiệm kia từ vô minh, một cái sẽ đưa đến con đường giải thoát, còn cái kia mang tới thêm nhiều tham ái dính mắc, xung đột trong tâm thức bạn. Thông qua thực hành tự bạn sẽ có thể khám phá ra tất cả những điều đó. Không cần tôi nói ra điều gì cho bạn.

Việc quán tưởng năng lực tan biến ở trong kinh trung ương khi bạn thở ra : đó là một khía cạnh rất chính yếu trong việc thực hành yoga “kundalini.” Do đó, rất cần thiết để bạn thực hành như vậy và không cảm thấy rằng bạn đang bị mất năng lực vào lúc đó. Khi bạn chấm dứt chín vòng của phép thiền định cái bình rồi thì bạn có thể tiến hành phương pháp yoga thực sự.

 

Back

 

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org