Thông Bạch Đại lễ Phật Đản PL 2647 | Đại lễ Phật Đản - 2647 | Lễ Truyền Tam Quy và Ngũ Giới
Thông Bạch An Cư Quý Mão 2023 | Chương trình Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2647
Tưởng Niệm Phật Đản Sanh, PL 2647, TT Thích An Trí

TƯỞNG NIỆM PHẬT ĐẢN

Đối với người con Phật, khi nghe đến hai từ Phật Đản, hay cụm từ Tưởng Niệm Phật Đản, thì trong lòng khởi lên tràn ngập niềm hân hoan vui sướng và đầy cảm xúc rung động.  

Hân hoan vui sướng, vì nghĩ đến sự ra đời của Đức Phật, một bậc Thánh trên các bậc Thánh, đã xuất hiện giữa cuộc đời đầy kham nhẫn, vì sự khổ đau cùng tột của kiếp nhân sinh nói riêng và vạn loại hữu tình nói chung. Ngài đã phải cùng cộng hưởng và chia sớt, cũng như hoá giải nỗi khổ đau tương đối của kiếp nhân sinh qua bốn tướng sanh, lão, bệnh và tử, cũng như cái Khổ chơn lý của ba cõi hữu tình thuộc sinh diệt biến dị, hư nguỵ vô chủ.

Cảm xúc rung động, vì không biết phước đức nào, để hôm nay được làm Con của Ngài. Được sống trong tình thương bao la vô tận. Được tận hưởng sự ngọt ngào vi diệu của cam lồ pháp vị. Được Ngài dắt dìu trên lộ trình giác ngộ trải qua vô số kiếp sanh tử luân hồi.

Sự ra đời của Ngài, đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh hữu tình đang mê ngủ mộng mị, chìm đắm trong cảnh hoan ca lạc thú không ngừng.

Sự ra đời của Ngài, như người hướng đạo đã chỉ đường cho kẻ lữ hành đang lang thang loanh quanh trên cánh rừng hoang mạc, để biết lối trở về chốn xưa.

Sự ra đời của Ngài, để lại bức thông điệp bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sanh và chúng sanh. Bình đẳng đến mức tột cùng không còn sự bình đẳng nào khác: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Điều này đã được Đức Phật khẳng định một cách minh bạch kiên cố trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, rằng:  “…. Xá-Lợi-Phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế-Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra đời? Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng-sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.

Xá-Lợi-Phất! Đó là các đức Phật do vì một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời”.

Đức Phật bảo Xá-Lợi-Phất : “Các đức Phật Như-Lai chỉ giáo hóa Bồ-Tát, những điều làm ra thường vì một việc: chỉ đem tri kiến Phật chỉ cho chúng sanh tỏ ngộ thôi” (Hoà thượng Thích Trí Tịnh - Việt dịch)

Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, đều ra đời với một mục đích duy nhất, đó chính là “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”, cũng chính là Phật Tánh. Nếu không phải là Đấng Toàn Giác Vô Thượng, thì không một ai trong thế gian này, có thể chỉ ra được cái Phật Tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh vậy. Cho dù đó là những bậc Thánh xuất thế như A La Hán, Duyên Giác và Bồ Tát chăng nữa cũng không thể có đủ phương tiện từ bi trí tuệ để chỉ ra được.

Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh thứ 12 Đức Phật nói với ngài Ca Diếp rằng: “…. Nầy Thiện-nam-tử! Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, tất cả chúng sanh chẳng nhận thấy được. Khác nào cô gái nghèo có kho vàng mà chẳng biết. Hôm nay ta chỉ bày Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh hiện bị các phiền não che đậy. Như cô gái nghèo kia trong nhà sẵn có kho vàng nhưng không thấy được. Hôm nay đức Như-Lai chỉ bày kho báu giác tánh cho chúng sanh, đây chính là Phật tánh. Chúng sanh thấy được tánh nầy lòng rất vui mừng quy ngưỡng đức Như-Lai.

Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Như-Lai. Cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng dụ cho Phật tánh. …..”

“…… Nầy Thiện-nam-tử! Kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy, lúc đức Như-Lai chưa nói cũng lại như vậy. Vô lượng Bồ-tát dầu đầy đủ thật hành các ba-la- mật, nhẫn đến bậc thập-trụ vẫn còn chưa thấy được Phật tánh. Lúc Như-Lai đã nói, mới thấy được chút ít. Lúc Bồ-Tát nầy đã được thấy, đều nói rằng: “Thế-Tôn! Lạ lùng thay, chúng tôi lưu chuyển thọ vô lượng sanh tử, thường bị vô ngã làm mê lầm.

Nầy Thiện-nam-tử! Bồ-tát nầy lên bực thập-địa còn chưa thấy được Phật tánh rõ ràng, huống là hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác mà có thể thấy đặng.”      (Hoà thượng Thích Trí Tịnh – Việt dịch)

Vì thế mới tôn xưng Ngài là bậc Thánh trên tất cả bậc Thánh, là Thầy của Trời Người, là Cha Lành chung bốn loại.

Cho nên, sự kiện ra đời của Đức Phật, là chỉ bày chân lý tối thắng cứu cánh vốn có của mỗi chúng hữu tình trong ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Kinh gọi là “Pháp Nhĩ Như Thị”. Cũng chính vì vậy, Đức Phật tuyên bố: “49 năm Ta không nói một lời”, bởi lẽ chân lý vốn như vậy. Do đó, dẫu Đức Phật có ra đời hay không ra đời, thì các pháp vốn vẫn vậy, không sanh cũng không diệt, không tăng cũng không giảm, không sạch cũng không dơ. Tuy chân lý vốn là vậy, nhưng khắp cả Trời Người đều không thấy được, kể cả các bậc Thánh xuất thế như Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ tát, tuy cũng thấy được chân lý, nhưng cũng không nhận chân được cứu cánh như Đức Phật.

Vì lẽ đó, mà chúng ta cảm nhận được lòng từ vô lượng vô biên của Đức Phật, mà trong kinh nói rằng: “Phật thương chúng sanh như con đỏ”. Và tình thương bao la ấy được diễn đạt qua trí tuệ ba la mật, như Bồ Tát Đại Huệ tán thán công đức Phật trong kinh Lăng Già như sau:

世間離生滅,                                      猶如虛空華,

智不得有無,                                      而興大悲心。

Thế gian ly sanh diệt                       Thế gian lìa sanh diệt

Do như hư không hoa                      Như hoa đốm hư không

Trí bất đắc hữu vô                            Trí chẳng thấy có không

Nhi hưng đại bi tâm.                                 Mà khởi tâm đại bi


一切法如幻,                                      遠離於心識,

智不得有無,                                      而興大悲心。

Nhất thiết pháp như huyễn        Tất cả pháp như huyễn

Viễn ly ư tâm thức                      Xa lìa nơi tâm thức

Trí bất đắc hữu vô                       Trí chẳng thấy có không

Nhi hưng đại bi tâm.                        Mà khởi tâm đại bi


遠離於斷常,                                      世間恒如夢,

智不得有無,                                      而興大悲心。

Viễn ly ư đoạn thường                      Xa rời ở đoạn thường
Thế gian hằng như mộng                 Thế gian thường như mộng
Trí bất đắc hữu vô                            Trí chẳng thấy có không
Nhi hưng đại bi tâm.                        Mà khởi tâm đại bi

 

知人法無我,                  煩惱及爾炎,

常清淨無相,                  而興大悲心。

Tri nhân pháp vô ngã                       Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm                   Phiền não cùng sở tri
Thường thanh tịnh vô tướng           Thường thanh tịnh không tướng
Nhi hưng đại bi tâm                         Mà khởi tâm đại bi

 

Dựa theo tác phẩm Thiền & Kinh Lăng Già do Suzuki biên soạn và Trúc Thiên dịch ra Việt văn thì nghĩa của những bài kệ do Bồ Tát Đại Huệ khởi xướng như sau:

"Khi quán tưởng thế gian này bằng trí và bi, người sẽ thấy nó giống như hoa đốm giữa trời, không thể nói nó có sinh ra, hay bị diệt đi, vì cả hai phạm trù "có" và "không" đều không dùng được ở đây. 

"Khi quán tưởng muôn vật bằng trí và bi người sẽ thấy nó như ảo giác, ngoài sức lãnh hội của tâm thức, cũng không thể nói nó "có" hoặc "không", vì cả hai phạm trù đều không dùng được ở đây. 

"Khi quán tưởng thế gian này bằng trí và bi, người sẽ thấy nó như chiêm bao, không thể nói nó là hằng hữu bất biến (thường kiến) hoặc trầm vong trong hư vô (đoạn kiến) cũng không thể nói nó "có" hoặc "không", vì cả hai phạm trù đều không dùng được ở đây. 

"Khi quán tưởng pháp giới bằng trí và bi, người sẽ thấy tất cả đều bổn lai thanh tịnh, vô nhiễm (vô tướng), không tự tánh (vô ngã) trong không có thế giới chủ quan (nhân) gây phiền não chướng, ngoài không thế giới khách quan (pháp) gây sở tri chướng (nhĩ diệm). 

Qua đó chúng ta thấy rằng; sở dĩ Đức Phật có lòng từ bi rộng lớn, là bởi Ngài có trí tuệ viên mãn, hay còn gọi trí tuệ ba la mật, quán thấy rõ tột cùng cứu cánh thật tướng các pháp vốn không, như hoa đốm giữa hư không, nên không có pháp nào sanh, vì không có pháp nào sanh nên cũng không có pháp nào diệt. Do đó không có các pháp nào thường hằng nên cũng không có các pháp nào đoạn diệt, thân năm ấm (nhơn) không thật có ngã và cái pháp năm ấm cũng vốn không, cho nên phiền não cùng sở tri (nhĩ diệm) không có chỗ nương gá để phát sanh, vì vậy không có tập nhân phiền não nên không có khổ quả của sanh tử luân hồi, đã không sanh tử nên cũng không Niết Bàn. Vì nếu có Niết Bàn tức có Sanh Tử, như vậy thuộc đối đãi nhị nguyên chưa được gọi rốt ráo cứu cánh, hai đế (tục đế và chân đế) chưa dung thông, thì hai chướng (phiền não chướng và sở tri chướng) chưa trừ, hai chấp (chấp ngã và chấp pháp) cũng vẫn còn, thì không thể vào cánh cửa không hai (bất nhị). Khi còn phân hai, thì không thể rốt ráo và như vậy thì trí tuệ chưa viên mãn hay còn gọi là trí tuệ chưa có ba la mật. Khi nào nhị đế dung thông, nhị chướng quyên trừ, nhị chấp vĩnh đoạn, thì mới nhập bất nhị môn. Lúc bấy giờ mới thấy đúng như thật tướng là Sanh Tử tức Niết Bàn, Phiền Não tức Bồ Đề.

Tóm lại, Tưởng Niệm Phật Đản, bằng cách chúng ta kiến trúc toà lâu đài niềm tin kiên cố về bản nguyện ra đời của Đức Phật, như phẩm Phương Tiện thứ hai trong kinh Pháp Hoa đã nói. Và nhận thức sâu sắc về bản hoài Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi của Đức Thế Tôn thị hiện giữa trần gian ngũ trược ác thế này. Cái năng lực ấy duy chỉ có Phật Thế Tôn mới thể hiện ra toàn bộ sự lý viên dung và lấy làm phương tiện độ sanh. Vì thế mà Bồ Tát Đại Huệ mới ca ngợi tán thán Trí Tuệ Ba La Mật của Thế Tôn là bậc:           

知人法無我,                  煩惱及爾炎,

常清淨無相,                  而興大悲心。

Tri nhân pháp vô ngã                       Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm                   Phiền não cùng sở tri
Thường thanh tịnh vô tướng           Thường thanh tịnh không tướng
Nhi hưng đại bi tâm.                       
Mà khởi tâm đại bi

 

一切無涅槃,                  無有涅槃佛,

無有佛涅槃,                  遠離覺所覺。

若有若無有,                  是二悉俱離,

Nhất thiết vô niết bàn                      Tất cả không Niết Bàn
Vô hữu niết bàn Phật                       Không có Niết Bàn Phật
Vô hữu Phật niết bàn                       Không có Phật Niết Bàn
Viễn ly giác sở giác.                         Xa lìa giác, sở giác
Nhược hữu nhược vô hữu               Nếu có, nếu không có
Thị nhất thiết câu ly                         Cả hai thảy đều lìa

 

牟尼寂靜觀,                  是則遠離生,

是名為不取,                  今世後世淨

Mâu ni tịch tĩnh quán                      Quán Mâu ni tịch tĩnh
Thị tắc viễn ly sanh                         Ấy là xa rời sanh
Thị danh vi bất thủ                           Nên gọi là chẳng thủ
Kim thế hậu thế tịnh.                       Đời nay đời sau tịnh

Khi quán tưởng pháp giới bằng trí và bi, sẽ thấy tất cả vốn bản lai thanh tịnh, vô nhiễm (vô tướng), không tự tánh (vô ngã) trong không có thế giới chủ quan (nhân) gây phiền não chướng, ngoài không thế giới khách quan (pháp) gây sở tri chướng (nhĩ diệm).

Khi lìa cả hai tướng đối đãi người giác và quả vị giác (giác, sở giác), sẽ thấy không đâu có niết-bàn, không có Phật nào ở niết-bàn, không có niết-bàn nào của Phật.

Khi quán tưởng thể tánh vắng lặng của Mâu-ni, tự tại ngoài vòng sanh diệt, không chấp “có’, không chấp “không”, cả hai phạm trù luận lý đều dứt sạch, ắt không thủ chấp, nên được thanh tịnh ngay ở đời nay và đời sau.

Như lời thông điệp nhiệm mầu, bài kệ vạch ra cho chúng ta con đường thực tiễn để đi vào cõi Thánh trí tự chứng. Lời tán thán của Bồ-tát Đại Huệ như bay vút giữa tầng không, chao liệng giữa đỉnh non Lăng-già, hoà nhập vào tiếng reo trầm hùng của sóng biển. Đến nay đã hơn 2500 năm, sự thể nhập của đạo Giác ngộ và Giải thoát chính là bằng từng bước chân của những người mang lý tưởng thực hành Bồ-tát đạo, vượt lên trên những dị biệt, những chấp trước, những đối cực nhị biên, v.v… để vận hành sâu sắc giá trị miên viễn của Trí tuệ và Từ bi.” (trích từ tác phẩm Giới Thiệu Kinh Lăng Già của tác giả Thích Nhuận Châu)

Nhưng để thấu đạt cứu cánh như vậy, thì hành giả phải trải qua vô số kiếp thực hành sáu ba la mật. Muốn tiến đến sáu ba la mật, thì trước tiên chúng ta phải đi vào cánh cửa nhị biên, bằng cách tập hạnh xả ly những gì vốn có ta và của ta (ngã và ngã sở). Cho nên Đức Phật đại từ bi và đại trí tuệ, phương tiện khuyến nhủ chúng sanh hành thiện xả ác, bố thí, phóng sanh, và tu tập theo mười đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền Bồ tát là: Lễ kính, ca ngợi, cúng dường, sám hối, tuỳ hỷ, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, thường tuỳ Phật học, hằng thuận chúng sanh và phổ giai hồi hướng. Từ đó cái Tánh Giác Bản Lai sẽ được Đản Sanh trong mỗi hành giả, cho đến khi Tánh Giác hoàn toàn viên mãn ở ngôi Diệu Giác, như khi xưa dưới cội Bồ Đề, đức Phật đã hàng phục ma binh, khi sao mai vừa xuất hiện, sự giác ngộ viên mãn hiển hiện. Để rồi ánh sáng giác ngộ viên mãn ấy, đã chiếu soi cho tất cả hàng phàm phu ngoại đạo, trở thành các bậc Thánh Thanh văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Và tận đời vị lai trở thành Phật giác hạnh viên mãn.

Vì vậy, để Tưởng Niệm Phật Đản, là hàng con Phật phước đức của chúng ta hãy phát bốn hoằng thệ nguyện là:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Như ngài A Nan sau khi tỏ ngộ chân tâm, và muốn báo ân Phật từ bi chỉ bày, mà đã phát nguyện rằng:

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

Như nhất chúng sanh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ nê hoàn

Đại hùng đại lực đại từ bi

Hy cánh thẩm trừ vi tế hoạch

Linh ngã tảo đăng vô thượng giác.

Nghĩa:

Đời ác 5 trược thề đi vào trước

Nếu như còn một chúng sanh chưa thành Phật

Con cũng nguyện không vào quả Niết Bàn

Bậc Oai Dũng sức mạnh và thương yêu siêu việt

Thật hy hữu - diệt sạch tư duy cợn bẩn

Khiến con mau lên ngôi vị tột cùng Giác Ngộ

Tưởng Niệm Phật Đản là để Tri Ân Phật và Báo Ân Phật, thì chúng ta cũng tập tành phát nguyện như ngài A Nan hay cũng như chư Đại Bồ Tát, thì mới đúng nghĩa con Phật chân thật và đúng theo với bản hoài Thị Hiện Đản Sanh của Phật.

Có vậy mới đúng:     Tương thử thâm tâm phụng trần sát

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Nghĩa:

Đem tấm lòng sâu sắc trải qua số kiếp để phụng sự hàm linh

Được vậy mới có thể nói là báo đền ơn Phật.

An Chí

Back

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org