MỘT THOÁNG SUY TƯ MÙA HIẾU HẠNH
An Chí

Vu Lan Hiếu Hạnh là mùa của tình thương thiêng liêng, mùa của ân tình nghĩa cử, mùa của tri ân báo ân, mùa nhắc nhở dòng máu nóng đang lưu lộ trong cơ thể chúng ta, chúng ta còn nợ một ân tình, không bao giờ trả nổi. Cho dù:

Cõng mẹ cha tất cả hai vai,

Giáp vòng hòn núi Tu Di,

Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền

Mùa đã khơi dậy năng lực yêu thương tột cùng của con người hiện hữu. Trong cuộc đời này có lẽ không có tình yêu thương nào bằng tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Trong quá khứ; từ thuở lọt lòng mẹ, thì mỗi con người chúng ta chỉ biết hưởng thụ tình thương yêu qua sự hy sinh cao cả của cha mẹ. Khi trưởng thành và lập nghiệp, cho đến thành gia lập thất và có con cái. Chúng ta thử suy nghĩ lại, tình thương của chúng ta đem lại cho cha mẹ đã được bao nhiêu, nếu đem đong đo cân đếm. Công tâm mà nói rằng: chắc chắn là tình thương của mình đối với cha mẹ, không bao giờ có thể so sánh được với tình thương của cha mẹ đã trao tặng cho chúng ta. Và đây cũng như là một quy luật tất nhiên, cứ thế mà từ đời này đến đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta thấy chỉ có cha mẹ là hy sinh đúng nghĩa cho con cái. Đó cũng là lý do tại sao Đức Phật nói rằng: “Trên thế gian này không ai có thể báo đền ơn cha mẹ được cả”.

Ví có người gặp cơn đói rét

Nuôi song thân dâng hết thân này

Xương nghiền thịt nát phân thây

Trải trăm ngàn kiếp ơn đây chưa đồng

Mùa Vu Lan Hiếu Hạnh về, là tín hiệu nhắc nhở tất cả những người con trên hành tinh trái đất này, dù thành danh hay không thành, dù giàu hay nghèo, dù trí thức hay bình dân, dù xuất gia hay tại gia v.v…. hãy buông thả tất cả những gì đang có trong hiện tại và hãy ngồi xuống suy niệm lại; “Mình đã làm được những gì lợi lạc thật sự cho cha mẹ chưa? Mình đã thật sự thương yêu cha mẹ đúng nghĩa chưa?”

Một người có địa vị cao hoặc có tên tuổi với cộng đồng nhân loại đã cho cha mẹ tiếng thơm lây và để rồi cha mẹ hãnh diện rằng “Mình có người con như vậy, như vậy … là đủ rồi sao?”

Hoặc giả người thương gia giàu có, tiền của cao ngất bằng núi, gia sản tràn đầy như biển rộng và đem tiền của ấy về dâng biếu cho cha mẹ, để ông bà cụ thoả mãn với sự giàu có về tiền bạc của cải …. là đủ rồi hay sao?

Hoặc giả con ngoan con hiền, luôn vâng lời cha mẹ và làm những gì mà cha mẹ mong muốn, mặc dù mình không thích, nhưng chỉ vì để hài lòng cha mẹ mà làm ….. vậy cho là đủ rồi hay sao?

Còn rất nhiều khía cạnh trong cuộc đời này, mà những người con đã làm hài lòng lúc cha mẹ còn thời trung niên thịnh vượng hoặc giả nuôi dưỡng cha mẹ lúc xế chiều ốm đau v.v… nhưng dẫu là vậy, thì những người bổn phận làm con như chúng ta đã đem lại tình thương cho cha mẹ bằng tình thương của cha mẹ đã trao tặng cho mình, từ lúc còn trong bụng mẹ đến lúc chào đời và từ thuở bé thơ cho đến cả cuộc đời chúng ta. Có bao giờ cha mẹ dừng lại sự lo lắng cho chúng ta, dù đầu chúng ta đã bạc, lưng chúng ta đã còng, vì bụi trần gian phủ lấp và dòng chảy thời gian xói mòn. Không biết sau khi cha mẹ đã về với ông bà tổ tiên bên kia thế giới, thì có còn lo nghĩ về những người con còn tồn tại ở trần gian hay không nhỉ?

Đúng như câu:    

Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng

Con nuôi Cha Mẹ tính tháng tính ngày

Nhưng có lẽ bổn phận làm người trong cuộc đời, đã khiến chúng ta giảm nhẹ phần nào áy náy lương tâm. Bởi lẽ khi chúng ta thành lập gia thất, có vợ có chồng, có con có cái và thế là chúng ta tiếp tục một cuộc hành trình nuôi dưỡng con cái, gọi là cha sanh mẹ dưỡng. Và lúc ấy tình thương yêu con cái vô bờ bến đã trổi dậy trong tâm khảm sâu thẳm, mà trước đây chưa từng cảm nhận được trong cuộc đời còn non trẻ. Lúc bấy giờ mới thấm thía làm sao câu:

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ                 

Nhưng lúc này đây, tình thương yêu của mình đối với cha mẹ chỉ còn trong tâm tưởng sâu thẳm nhiều hơn là sự thể hiện tận cùng bên ngoài. Vì chúng ta phải làm tròn bổn phận của người cha người mẹ, thương yêu săn sóc con cái của mình cũng vô bờ vô bến, như cha mẹ cả một đời đối với mình. Có lẽ, đây là sự bù đắp khoảng trống vắng thiếu tình thương yêu của mình đối với cha mẹ. Cứ như thế với thời gian tuế nguyệt tha đà, chúng ta cứ mải miết với công danh sự nghiệp, với cuộc sống cơm áo gạo tiền, nuôi con nuôi cái, cùng với những cuộc vui hưởng thụ tạm bợ. Bỗng một hôm nghe cha mẹ già nằm trên giường bệnh, với hơi thở khò khè nặng trĩu. Dù cho lúc ấy chúng ta có bỏ ra tiền muôn bạc vạn, chạy chữa thuốc thang cho cha mẹ, dù cho chúng ta có:

Mổ bụng ra, rút hết tâm can,,

Huyết ra khắp đất chẳng than,

Đến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng

Rồi đến một hôm, một hơi thở ra, đã tiễn đưa cha mẹ rời khỏi trần thế, thì than ôi lúc ấy dù có: 

Tự treo mình cúng Phật thế đèn,

Cứ treo như vậy trọn năm,

Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền

Cũng vì vậy, cổ nhân có câu:  

Mộc dục tịnh nhi phong bất đình

Tử dục dưỡng nhi thân bất tại

Nghĩa là cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, con muốn nuôi cha mẹ nhưng than ôi cha mẹ mãi còn đâu.

Phận làm con luôn ray rứt ân hận cả đời, nếu không thì trở thành con đại bất hiếu. Nhưng dù ray rứt hối hận hay không, thì chúng ta cũng phải  mang ân nặng thâm sâu đối với cha mẹ. Mà không chỉ cha mẹ một đời hiện tại này, mà còn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, có lẽ chúng ta không bao giờ đền đáp được hết. Và cũng chỉ là một vòng lẩn quẩn xoay quanh, như là con cái của mình cũng không báo đáp ân dày của mình; mình cũng không báo đền được ơn cha mẹ của mình. Và cha mẹ của mình cũng không báo đền ơn sanh thành dưỡng dục của ông bà mình v.v… cứ như thế mà xoay qua chuyển lại, ân ân nghĩa nghĩa, oán oán thù thù, báo qua đáp lại. Theo quy luật sanh tử luân hồi, thì cha mẹ kiếp trước, con cái kiếp này và vợ chồng kiếp sau. Nếu thuận thì thương yêu ngoan hiền đối đãi tử tế kính trên nhường dưới; nếu nghịch thì thành oan gia nghịch tử bất lương bất nhẫn vô nhân. Đó là nguyên nhân tại sao trong xã hội hiện tại, cho chúng ta diện mục sở thị những cảnh; mà mọi người chỉ biết thốt lên là tại sao và tại sao? Vợ chồng hãm hại lẫn nhau, anh em trở thành thù địch, cha mẹ hành hạ con cái, con cái đan tâm giết chết cha mẹ, hoặc bỏ mặc cha mẹ tuổi già cô quạnh, đói rét bệnh hoạn, la lếch đầu đường xó chợ, xin từng miếng cơm thừa canh cặn, khi thiên hạ không ngon miệng hoặc quá dư thừa bỏ mứa …..

Nhưng than ôi! biết đâu thiên hạ hôm nay vứt  miếng cơm thừa canh cặn, lại có thể là cha mẹ của kiếp trước hoặc con cái của kiếp kia. Lắm lúc con cái ngoan hiền với cha mẹ trong kiếp này, mà cứ bị cha mẹ hờ hững phủi phui nhưng là không nhìn thấy, thì biết đâu lại là người đã từng hãm hại cha mẹ từ kiếp trước, hôm nay đến để trả nợ. Hoặc mình được cha mẹ thương yêu chìu chuộng tột cùng, thì biết đâu cha mẹ ấy đã nợ mình quá nhiều những ân tình gì đó từ thuở kiếp nào v.v….  Nói đúng chân lý nhân quả nghiệp báo, thì quả thật phũ phàng ghê rợn.

Là phàm phu mê mờ, thì chúng ta không tài nào thấy biết rõ ràng. Có lẽ vì vậy, các bậc Thánh vội chấm dứt sanh tử luân hồi, chư Bồ Tát khởi bi tâm lớn vào dòng mê thức tỉnh chúng sanh sớm ra khỏi đêm trường mộng mị của tử sanh. Xưa kia đức Thánh Mục Liên thần thông đệ nhất, nhờ Phật từ bi chỉ phương cứu tế mẹ mình. Đức Thích Ca trải qua vô lượng kiếp tu nhân hiếu hạnh để thành Chánh Giác. Các bậc Thánh thấy rõ điều vô luân của sanh tử, nên Từ Phụ thị hiện khai trí tuệ và truyền diệu pháp, chúng sanh nào ân cần kính tín, theo pháp Tam Quy và thọ trì giới pháp, tu tập thiện pháp xuất thế, đoạn sanh tử lộ, vượt thoát sông mê, lên bờ giác ngộ. Lúc ấy thì bao ân tình cao cả thâm sâu của cha mẹ từ vô thỉ kiếp thảy đều báo đáp viên dung. Còn bằng không vẫn phải lên xuống quanh quẩn sáu đường sanh sanh tử tử thay đổi vai trò qua lại ái nhiễm, nên khế kinh nói: Khi đi thọ thai làm người, thì thân trung ấm nam thì ái mẹ, thân trung ấm nữ thì ái cha.

Chính vì vậy, khi các bậc Thánh Nhất Sanh Bổ Xứ, trước khi thị hiện Đản Sanh phải quán sát ai là người có đủ tư cách làm cha mẹ và theo trong những kinh thuộc Bản Duyên thì Bồ Tát từ khi sơ phát tâm cho đến khi Thành Đạo viên mãn duy chỉ một cha mẹ trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp. Còn nếu là phàm phu như chúng ta vẫn còn phải chịu sanh tử luân hồi, thì chí ít cũng phải như trong Kinh Vu Lan Đức Phật đã dạy tu tập công đức thiện pháp, đúng thời đúng lúc, đúng chánh pháp rồi hồi hướng như sau:        

Đặng cầu nguyện song đường trường thọ,

Chẳng ốm đau cũng chẳng khổ chi,

Cùng cầu thất thế đồng thì,

Lìa nơi ngạ quỷ sanh về nhơn thiên,

Đặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp,

Lại xa lìa nạn khổ cực thân,

Môn sanh Phật tử ân cần,

Hạnh tu hiếu thuận phải cần phải chuyên.

Thường cầu nguyện thung huyên an hảo

Cùng bảy đời phụ mẫu siêu sanh,

Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm,

Vì lòng hiếu thảo ân thâm phải đền.

Lễ cứu tế chí thành sắp đặt,

Ngỏ cúng dường chư Phật, chư Tăng,

Ấy là báo đáp thù ân,

Sanh thành dưỡng dục song thân buổi đầu.

Tóm lại, Mùa Vu Lan về là nhắc nhở hạnh hiếu trong mỗi người con Phật. Nhưng hạnh hiếu này không chỉ theo những quan niệm truyền thống của thế gian. Mà còn phải vượt lên trên và hiếu hạnh theo con đường Giác Ngộ tự tha viên mãn của chư Phật Bồ Tát, là phát Đại Bồ Đề Tâm, quán tất cả chúng sanh đã đang và sẽ là cha mẹ của chúng ta, mà phát lòng từ bi rộng lớn thương yêu tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng.

                                                                                    Mùa Vu Lan PL 2565-2021

                                                                                    An Chí

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org