CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.

Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999

PHẦN 3
NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP

BÀI GIẢNG TÓM LƯỢC VỀ
SADHANA VAJRASATTVA

Sadhana
Quy y và phát Bồ đề tâm

Chúng ta quy y vào Phật, Pháp, và Tăng, tức là Tăng đoàn của Ba thừa. Điều này có nghĩa là bạn không còn có thể nói được rằng : “Tôi là người theo Đại thừa, tôi không quy y các A la hán Tiểu thừa.” Chúng ta quy y vào Tăng đoàn mà không được có sự phân biệt nào cả. Chúng ta cũng quy y vào các daka và dakini. Bạn không thể nói rằng : “Tôi sẽ quy y các daka, nhưng không quy y các dakini.” Chúng ta quy y vào tất cả chư vị Bồ tát. Và đặc biệt bạn quy y với người (lob-pošn) đã trao cho bạn lễ quán đảnh Heruka Vajrasattva.

MỤC LỤC

  • PHẦN 1: BÌNH GIẢNG CHÍNH
  • PHẦN 2: NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ ẨN TU
  • PHẦN 3: NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP

    1. Không có điều bất thiện nào không thể tịnh hóa hoàn toàn  
    2. Một quán đảnh nhập môn Heruka Vajrasattva  
    3. Bài giảng tóm lược về sadhana Vajrasattva  
      .Sadhana 
      . Câu hỏi và trả lời  
      . Việc ẩn tu  
      . Lễ Puja bằng lửa 
       
    4. Sự thực hành Vajrasattva và Tantra Yoga Tối Thượng
    5. Những phẩm tính của Vajrasattva vốn có sẵn ở trong chúng ta 
    6. Hành động là tất cả 

    Đấng chủ đạo mà bạn quy y là ngài Heruka có hai tay và đang đứng, ngài cầm một chày kim cương và một chuông, đang ôm Vajravarahi người phối ngẫu của ngài. Chắc hẳn bạn sẽ rất khó quán tưởng hình tướng với tất cả tay và chân. Ngài Heruka và người phối ngẫu được vây quanh bởi tất cả các hình ảnh các vị đông khắp trong vũ trụ như đã được đề cập trong bài giảng chính. Những vị đó tan vào trong ánh sáng và tan biến vào Heruka, rồi Heruka cũng chìm tan vào trong bạn. Bạn trở thành Heruka. Hãy tập trung vào điều này càng lâu càng tốt.(18)

    Khi bạn phát Bồ đề tâm bằng cách nghĩ rằng : “Tôi phải trở thành Heruka…” thì bạn gửi đi ánh sáng rực rỡ đến mười phương thế giới, tịnh hóa tất cả chúng sanh trong sáu cõi và biến họ thành ra Heruka. Rồi tất cả Heruka này chìm tan vào trong bạn. Đó là một kỹ thuật để thực hiện Bồ đề tâm.

    Phương pháp yoga thực sự

    Khi tu tập pháp yoga Heruka Vajrasattva, bạn có thể quán tưởng bản thân bạn là Heruka hay Vajrapani hay bất kỳ vị thần bổn tôn ưa thích nào của bạn. Nhưng ở đây nổi lên một câu hỏi : “Nếu tôi là Heruka, thì cần gì phải tịnh hóa ?” Dĩ nhiên nếu bạn thực sự là Heruka, chắc chắn bạn không cần sự tịnh hóa nào cả. Ở đây khi bạn chuyển hóa mình thành ra hình tướng thiêng liêng của Heruka cho dù bạn có được sự tập trung rất tốt thì tâm phân biệt nhị nguyên của bạn cũng đang ẩn nấp đâu đó trong sâu thẳm của tâm thức, nó chỉ chờ lúc nhảy ra ngoài và làm cho bạn mê lầm.

    Việc này nhắc tôi nhớ lại một câu chuyện về một hành giả tu tập Yamantaka (hình tướng phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi) ở Tây Tạng. Như bạn biết, ngài Yamantaka có tất cả những cánh tay này, mỗi tay cầm một món đồ. Vào một ngày vị tăng này đang quán tưởng bản thân mình trong hình tướng đó, và đương nhiên ông ta đã hoàn toàn tin được như vậy bởi vì khi vị thầy cố đưa cho ông một vật gì thì ông ta trả lời : “Xin lỗi, tôi không thể, vì tay tôi cầm các đồ vật rồi.” Do đó vị thầy nói : “Được rồi, thay vì vậy, con hãy cầm món đồ ta đưa chỉ với bàn tay thông thường bất tịnh của con.”

    Cho dù bạn có thể quán tưởng chính bạn là Heruka với một niềm tin tưởng hoàn toàn, không có một ý niệm bình thường nào đi nữa, thì bạn vẫn phải cần sự tịnh hóa. Không phải lý do là Đức Phật đã dạy như vậy, nhưng bởi vì tâm nhị nguyên của bạn vẫn còn ở đó. Do đó, ngay cả nếu bạn đã biểu lộ được như là một Heruka bạn vẫn phải thực hành pháp Heruka Vajrasattva. Tuy nhiên khi bạn thực hành bạn chỉ việc duy trì hình tướng thiêng liêng mà không cần chú trọng đến sự tự hào thiêng liêng.

    Hãy quán tưởng Heruka Vajrasattva phía trên đỉnh đầu của bạn cách đầu một khoảng sao cho tiện lợi với bạn, nhưng đừng quá cách xa hàng dặm, có lẽ vừa một bàn tay là đủ, thân của ngài không giống thân vật chất cụ thể như thân chúng ta, mà là một sắc thân có màu cầu vồng : rõ ràng và trong suốt, đó là sắc thân tâm linh. Ngài hoàn toàn hợp nhất với người phối ngẫu của ngài. Bà tượng trưng cho trí huệ giác ngộ và ngài tượng trưng cho phương tiện giác ngộ.

    Ánh sáng tỏa ra từ tim ngài đến mười phương khẩn cầu tất cả chư Phật và chư Bồ tát. Ánh sáng trắng rực rỡ này là năng lực trí huệ giác ngộ thiêng liêng, tức trí huệ-hiểu biết tinh khiết, hiểu thấu đáo tột cùng bản tánh của tất cả. Đó là tâm tinh khiết. Tâm bất tịnh thì ngược lại, nó chật hẹp, nó thiếu trí huệ thiện xảo và nó phát sanh ra các hành vi bất tịnh.

    Ánh sáng trắng rực rỡ của năng lực trí huệ tối thượng đã được khẩn cầu, ánh sáng đó chìm vào trong tim Heruka Vajrasattva, đi xuống theo kinh mạch trung ương đến luân xa bí mật của ngài, rồi đi vào luân xa bí mật của Dorje Nyem-ma và rồi tràn đầy khắp kinh mạch trung ương của bà. Cả hai thân của hai ngài được ngập tràn với ánh sáng trắng rực rỡ phúc lạc. Từ mật chú ở tim của mỗi vị hóa thần này, một năng lực kundalani màu trắng phúc lạc, ào xuống dọc theo kinh mạch trung ương của hai vị, đi qua chỗ luân xa bí mật và đi vào luân xa đỉnh đầu của bạn. Năng lực này rất mạnh, nó như một thác nước. Trong việc quán tưởng yašn-de này, ánh sáng trắng tuôn xuống theo kinh mạch trung ương của bạn, đẩy ra ngoài, qua luân xa bí mật của bạn, tất cả những điều bất tịnh và năng lực bất thiện trong dạng hình tướng con heo, con gà, con rắn… Những con vật này và những con khác như bò cạp, khỉ, bò cái đều tượng trưng cho tất cả các loại bất thiện trong hệ thần kinh bạn. Tất cả được tẩy rửa sạch hoàn toàn. Sự không mãn nguyện, cảm giác cô đơn của bạn cũng được tịnh hóa, kể cả những triệu chứng bất thiện quấy phá mà bạn có thể nghĩ tới.

    Bạn cũng có thể thực hành cách quán tưởng mašn-de ở điểm này. Với cách này, bạn quán tưởng các rác rưởi nội tâm của bạn nổi lên trên mặt của năng lực kundalini phúc lạc khi năng lực này làm đầy thân bạn bắt đầu từ dưới lên trên. Rác rưởi này rời khỏi thân bạn thông qua các cửa như lỗ mũi, mắt, miệng, tai và nó nổi thành bọt ra ngoài luân xa đỉnh đầu của bạn.

    Rồi thì bạn cũng có thể thực hành thiền định thứ ba tức là phung-de, quán tưởng ánh sáng tỏa sáng rực rỡ. Từ tim của Vajrasattva ánh sáng chiếu rọi qua luân xa bí mật của ngài, xuyên qua đỉnh đầu của bạn và tịnh hóa toàn bộ hệ thống thần kinh của bạn. Đây là ba pháp quán tưởng bạn thực hiện trong khi bạn đọc mật chú.

    Cuối cùng Heruka Vajrasattva chìm tan qua kinh mạch trung ương của bạn vào trong tim bạn. Thân, khẩu, ý của bạn được hợp nhất với thân, khẩu, ý thiêng liêng của ngài. Bạn trở thành Heruka Vajrasattva. Từ nơi tim thiêng liêng của bạn, rất nhiều ánh sáng tỏa chiếu qua khắp sáu cõi luân hồi, tịnh hóa tất cả chúng sanh và chuyển hóa họ thành ra sắc thân Heruka Vajrasattva. Rồi tất cả Heruka Vajrasattva này chìm tan vào trong chính bạn.

    Điều này rất quan trọng. Chúng ta luôn luôn có quan hệ với những người khác và thường có những nghiệp nặng nề với nhau. Chúng ta giận ghét những người khác, chúng ta dính bám mạnh mẽ với những người khác. Đa số các vấn đề của chúng ta là với những người khác. Chúng ta bị liên kết với nhau mạnh đến nỗi trong suốt cuộc đời chúng ta không ngừng quan hệ hay tình cờ gặp nhau. Khi bạn thực hiện pháp thiền định nói trên, bạn chuyển hóa bản thân bạn và bạn cũng chuyển hóa tất cả đối tượng. Như thế đối với bạn, không có đối tượng nào khao khát thèm muốn mà cũng không có đối tượng nào sân hận, cho nên bạn giữ được sự tinh tấn. Pháp Vajrasattva đặc biệt nhấn mạnh đến sự chuyển hóa các đối tượng sao cho bạn có thể kích phát phúc lạc thay vì kích hoạt ba độc là ngu si, tham luyến và sân hận.

    Cũng từ tim Heruka Vajrasattva của bạn, bạn gửi đi đến mười phương vô số hình thể Heruka Vajrasattva và bất cứ thứ gì bạn cho là hấp dẫn hay đáng ưa chẳng hạn như những người đàn ông đẹp trai, phụ nữ đẹp hay các trần cảnh tuyệt mỹ, tất cả các đối tượng của năm giác quan, bạn cúng dường tất cả những thứ đó cho các bậc tối cao. Bạn hãy quán tưởng rằng việc cúng dường này mang đến đại lạc cho chư Phật chư Bồ tát. Trên thực tế, nghĩa cốt tủy của từ “cúng dường” là cái kích thích, làm phát khởi phúc lạc siêu phàm trong người nhận sự cúng dường đó. Và đó mới là sự cúng dường đúng nghĩa. Nếu bạn dâng một cái gì mà gây ra đau khổ thì đó không phải là sự cúng dường. Bởi vì hàm ý Phật giáo của sự cúng dường là sự việc đó mang đến hạnh phúc, và so với ý nghĩa đó, bạn có thể thấy rằng hầu hết thời gian các món quà của chúng ta không thể hiện theo kiểu đó, và ngay dù chúng ta có ý muốn tốt, món quà của chúng ta thường khiến cho người ta bất hạnh.

    Có rất nhiều điều cốt tủy trong sadhana. Bạn phải hiểu mục đích thực sự của việc chuyển hóa mà chúng ta đang thực hành ở đây. Nếu có ai hỏi tại sao bạn thực hành pháp môn yoga này bạn có thể trả lời : “Để tịnh hóa chính mình.” Câu này về cơ bản chấp nhận được, nhưng câu trả lời thực sự phải nên là : “Tôi cần thấu hiểu bản tánh chân thật của tất cả những gì hiện hữu, tôi muốn hiểu thực tại đó.” Đó là mục đích thực sự của pháp yoga Heruka Vajrasattva. Pháp môn này chỉ cho bạn thấy cái gì là sự thật và cái gì là không phải nó giúp bạn nhận ra tánh Không, tánh bất nhị, nó chấm dứt cho bạn khỏi phải tiếp tục ở trong ảnh hưởng của những quan niệm đông cứng lại của cái ngã của bạn.

    Bạn càng hiểu thấu nhiều hơn về bản tánh nền tảng của tất cả những gì hiện hữu thì bạn càng trải nghiệm nhiều phúc lạc hơn. Và nếu bạn trải nghiệm phúc lạc càng lớn hơn thì bạn càng gần với sự đạt tới hình tướng đẹp đẽ của vị hóa thần. Đó là điểm chính.

    Nhiều người Tây phương cho rằng cách nhận thức về vòng luân hồi sanh tử được giải thích trong Phật giáo quả thật bi đát : “Đạo Phật cho rằng cuộc sống là đau khổ mà không cách nào thoát khỏi !” Như vậy có vẻ như là giáo lý và thiền định Phật giáo đã được khám phá giảng dạy nhằm mục đích đặc biệt là làm cho con người khốn khổ ! Đó là một thái độ hoàn toàn sai lầm. Họ không hiểu thực sự họ cần cái gì.

    Điều tôi đang nói là, toàn bộ mục đích việc thực hành Heruka Vajrasattva là chứng nghiệm tánh bất nhị – sự thật rốt ráo của chính bạn và của tất cả mọi hiện tượng. Sự chứng nghiệm này là một kinh nghiệm phúc lạc cực độ. Một khi bạn kinh nghiệm được niềm phúc lạc này, bạn có thể thấy cái đẹp của vị hóa thần thiêng liêng trong những con người khác và sẽ ngưng gán ép các phóng chiếu bất thiện, tiêu cực lên người khác.

    Giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng bất kỳ ai thực hành Kim Cương thừa phải xem những con người khác như các vị Hóa thần thiêng liêng. Đó là giáo lý. Những ai đã chứng biết được bản tánh nền tảng, tánh bất nhị, của các chúng sanh khác thì sẽ có được kinh nghiệm siêu việt về sự thấy được các phẩm tính giác ngộ của vị Hóa thần trong những chúng sanh khác. Các hành giả như vậy không có chỗ cho các ý niệm bất thiện và tiêu cực.

    Những điều đó là những điểm chính. Tôi hy vọng như vậy là đủ. Có ai hỏi gì không ?

     

    Back

     

    Phước Huệ Temple
    Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
    Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org