CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.

Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999

PHẦN 2
NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ ẨN TU

CHUẨN BỊ SẴN SÀNG CHO VIỆC ẨN TU

Chỗ ngồi thiền định

Việc kế tiếp là chuẩn bị một chỗ ngồi thiền. Nó phải được thuận lợi càng nhiều càng tốt tới mức bạn cảm thấy rằng bạn có thể ngồi ở trên nó suốt hai mươi bốn giờ không hề ngắt quãng, chỉ trải nghiệm phúc lạc. Chỗ ngồi không được xẹp lép, bạn phải có một cái gối nhỏ kê dưới mông sao cho mông phải cao hơn đầu gối (khi ngồi). Điều này giúp cho lưng được thẳng đứng và khiến cho bạn không thấy như có kim đâm vào chân (bị tê chân). Không phải cần một chỗ ngồi gồ ghề, không êm, không có đệm lót để chứng tỏ sự buông bỏ.

Ngay dưới chỗ ngồi phải nên vẽ hình chữ vạn, vẽ lên trên nền nhà bằng phấn hay gạo, hay vẽ lên tờ giấy. Chữ vạn là dấu hiệu của người Ấn Độ cổ, biểu tượng sự tốt lành thịnh vượng. Nó có nguồn gốc tiếng Sanskrit “svasti,” có nghĩa thịnh vượng. Nó cũng biểu hiện cho chỗ ngồi không thể hủy hoại được, như kim cương mà Đức Phật đã ngồi ở Bồ đề Đạo tràng (Bodhgaya) khi Ngài giác ngộ. Thật không dễ để đạt tới giác ngộ. Bạn không thể có được giác ngộ ở bất cứ nơi nào.

MỤC LỤC

  • PHẦN 1: BÌNH GIẢNG CHÍNH

  • PHẦN 2: NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ ẨN TU

    1. CHUẨN BỊ SẴN SÀNG CHO VIỆC ẨN TU
      . Các tiêu chuẩn đáp ứng với việc ẩn tu  
      . Ẩn tu ở đâu ?  
      . Khi nào bắt đầu ẩn tu  

      . Một số chuẩn bị chung  
      . Bạn ăn gì  
      . Dọn dẹp sạch sẽ nơi ẩn tu 
       
      . Chỗ ngồi thiền định 
      . Xâu chuỗi  
      . Xếp đặt bàn thờ
    2. CÁC THỜI THIỀN ĐỊNH
      . Lịch trình hàng ngày  
      . Ngay trước khi thiền  

      . Bắt đầu thời thiền  
      . Nói chung về các thời thiền  
      . Sadhana  

      Trì chú  
      . Hoàn tất thời thiền
       
    3. THÊM MỘT SỐ KHUYẾN CÁO VỀ SỰ ẨN TU
      . Giữa các thời thiền
      . Sự ẩn tu nói chung  
      . Ẩn tu theo nhóm  
      . Kết luận

    Các vị Phật ở kiếp may mắn này đạt được giác ngộ ở Bodhgaya. Bởi vì chúng ta đang nhập thất để đạt tới giác ngộ, chúng ta cũng phải có một chỗ ngồi vững như kim cương chứ không phải chỗ ngồi bất thường, nay chỗ này mai chỗ khác. Nếu chúng ta ở trên thuyền bạn cũng sẽ bị dồi lên tụt xuống với sóng biển. Chỗ ngồi thiền của bạn không thể giống như vậy. Vì chúng ta không thể để kim cương thực sự ở dưới chỗ ngồi, chúng ta phải sử dụng dấu hiệu bằng phấn vẽ này. Sự kết hợp một chỗ ngồi không thể hủy hoại được với thái độ sáng tỏ, trong sạch, không thể hủy hoại, sự kết hợp đó làm cho việc nhập thất có giá trị thực sự.

    Bạn cũng đặt hai loại cỏ ở dưới chỗ ngồi. Một loại là kusha, người Ấn Độ dùng làm cây chổi. Cần phải đặt phần gốc nhánh cỏ ở dưới trung tâm chữ vạn, phần ngọn quay ra ngoài. Ở Bodhgaya, Đức Phật đã ngồi trên một tấm đệm bằng cỏ kusha. Việc dùng lại cùng thứ cỏ kusha để nhắc cho chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm thiền định của Đức Thế Tôn, đặc biệt là Ngài đã quyết định ngồi trên nệm cỏ cho đến khi nào đạt được giác ngộ bất chấp mọi khó khăn chướng ngại mà Ngài đã phải vượt qua. Cỏ kusha có hình dáng rất nhiều cọng nhỏ, mảnh mai nằm song song, rất đều đặn, sát lại với nhau hướng về một phía. Nó biểu tượng cho sự thiền định tập trung quyết liệt vào một điểm và sự quán tưởng rõ ràng – tất cả năng lực của bạn đang tuôn theo một hướng.

    Một loại cỏ khác là cỏ tsa dur-wa tiếng Tây Tạng. Nó giống cỏ kikuyu. Việc sắp đặt loại cỏ này giống như loại đầu, phần nối nhánh hướng về tâm chữ vạn. Nên tìm cỏ này thứ có nhiều mắt. Loại cỏ này tượng trưng cho sự tốt lành sống lâu.

    Một khi bạn đã xếp đặt xong chỗ ngồi, bạn không thể vì lý do gì mà dời đổi chỗ ngồi đó. Người Tây phương luôn luôn muốn giũ đập bụi cái nệm lót mông hay đem ra phơi nắng, nhưng ở trong chỗ ẩn tu bạn không được làm thế. Bạn cũng không được dời chỗ ngồi một khi việc ẩn tu bắt đầu. Bạn phải kiểm soát, điều khiển “tâm thức mang bệnh phân liệt” của bạn.

    Ở trong việc ẩn tu cả nhóm, phải nên có khoảng hở rộng giữa chỗ ngồi của hai người kế tiếp nhau. Bạn đừng ngồi chen chúc nhau như trong buổi lễ puja ở Tây Tạng. Tôi nhớ có một hành giả nhập thất đã gặp trở ngại vì ông ta đã chọn chỗ ngồi trên một nơi ẩm ướt của nền nhà và tấm nệm bị mốc meo và rữa mục. Bởi thế bạn phải cẩn thận lúc bắt đầu, phải biết nên đặt chỗ thích hợp để đặt tấm nệm lót ngồi.

    Ở nhà cũng vậy bạn nên có một chỗ ngồi thiền định riêng biệt, tốt hơn đừng ở trong phòng ngủ vì thường có xu hướng có những rung động luân hồi sanh tử rất mạnh. Nếu bạn lập được một bàn thờ ở trong một phòng riêng, hay ở một nơi nhất định trong nhà chỉ để dùng thiền định thì như vậy sẽ có lợi cho bạn. Con đường Đạo Pháp và con đường luân hồi sanh tử hoàn toàn khác nhau, hai nẻo đường này không thể đi cùng với nhau trừ phi bạn có được sự đại chứng ngộ về Bồ đề tâm.

    Ở trước mặt bạn nên có một cái bàn nhỏ để đặt (chày) kim cương, chuông, damaru, cái tách “kapala” và nếu cần một bản văn sadhana. Kapala chứa đựng chất nước đã được cúng dường bên trong, đó thường là nước trà đen với một viên thuốc đặc biệt được ban phước bởi cúng dường bên trong, hòa tan trong nước trà. Tuy nhiên nếu ẩn tu theo nhóm thì không cần mọi người đều có những thứ này. Chỉ một hay hai người trong nhóm có những thứ đó thôi. Nếu bạn không có kim cương thật và chuông thật thì bạn vẽ hình những thứ đó.

    Xâu chuỗi

    Bạn nên có một xâu chuỗi tràng hạt đặc biệt mà bạn chỉ dùng ở các nơi nhập thất và không được để người khác thấy. Một số nhập thất đòi hỏi bạn sử dụng xâu chuỗi tràng hạt làm bằng xương hay chất liệu đặc biệt khác. Xâu chuỗi cần được sử dụng với sự kính trọng, không được mang quanh cổ tay hay cổ. Một khi đợt nhập thất bắt đầu bạn không thể mang xâu chuỗi ra khỏi phòng, bạn phải để lại trên bàn. Bạn không được mang xâu chuỗi vào phòng tắm, vệ sinh. Trước khi bắt đầu nhập thất xâu chuỗi nên được một vị lama chú nguyện, và vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu thời thiền đầu tiên bạn tự chú nguyện xâu chuỗi với câu chú OM RUTSIRA MANI PRAWA TAYA HUM. Bạn đọc bảy lần và thổi vào xâu chuỗi.

    Xếp đặt bàn thờ

    Sau khi bạn đã dọn sạch phòng, bạn hãy sắp xếp bàn thờ. Hãy để tượng Heruka Vajrasattva trên bàn thờ, nếu là bức tranh, thì treo lên tường. Bạn không nên đặt tượng nào khác lên bàn thờ. Trong suốt kỳ nhập thất, Heruka Vajrasattva là vị Thánh thần quan trọng nhất – đó là sự biểu lộ của thực tại vũ trụ của bạn – và bạn không cần bất cứ hình tượng nào khác.

    Lý tưởng nhất là bạn nên dùng ba loại bánh cúng dường (tormas).(7) Ở Tây Tạng chúng tôi đã từng dùng bột lúa mạch rang để làm bánh (bột tsampa), nhưng ở Tây phương các bạn có thể dùng chô-cô-la, kẹo, bánh bít-quy, hay các loại thức ăn khác.

    Bánh cúng dường (torma) chính là vật cúng dường của bạn cho Heruka Vajrasattva. Bạn chú nguyện nó với trí huệ siêu việt hỷ lạc của Heruka Vajrasattva thông qua các phương pháp yoga Kim Cương thừa và để nó ở trên bàn thờ cho đến cuối kỳ nhập thất.(8) Khi chúng tôi làm bánh bằng bột tsampa chúng tôi thường thêm một ít rượu, bản chất của rượu có năng lực thấm lan tràn mạnh và làm nảy nở ra, mục đích là để tượng trưng cho sự nảy nở năng lực kundalini của thiền giả thông qua phương pháp yoga.(9) Bánh torma chính này được để giữa bàn, trên cao nhất. Bánh torma thứ hai (để ngay dưới bánh thứ nhất) là cúng dường cho vị hộ pháp phẫn nộ đặc biệt của Heruka, hạnh của ngài là làm tĩnh lặng tất cả năng lực không được kiểm soát. Một khi bạn đặt bánh đó lên bàn thờ bạn đừng lấy nó đi cho đến khi bạn kết thúc kỳ nhập thất.(10)

    Cái bánh thứ ba, bất kể bạn nhập thất ở đâu cũng đều có các thần thổ địa, các linh hồn (shi-dak), họ chiếm giữ và cai quản vùng đó, để cho họ không chống đối việc bạn xâm nhập vào vùng của họ và để cho họ đừng hãm hại bạn, bạn nên cúng dường họ. Không nhất thiết bạn phải làm kiểu torma Tây Tạng, có thể dùng gạo hay những thứ thực phẩm đã nói ở trên. Bạn đặt bánh – phần torma thứ ba – này ở bên phải của bánh thứ hai. Bánh đó cũng để lại trên bàn thờ suốt kỳ nhập thất.(11) Bạn hãy quán tưởng lễ vật cúng dường y như mọi thứ mà các hữu tình (được bạn dâng cúng) cần và sẽ hưởng thụ được và sẽ cảm thấy rằng bạn cũng đang cúng dường thân và khẩu của bạn cho các hữu tình đó, cũng như bạn đang hiến dâng bản thân mình vì lợi lạc của tất cả chúng sanh.

    Trong khi bạn cúng dường các bánh torma, bạn hãy nghĩ như thế này : “Làm ơn, xin để cho con được làm ở nơi này những việc con phải làm là : tịnh hóa thân tâm con và dành được trí huệ và lòng từ bi vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Con không phải đang cố ý giật lấy nơi này khỏi tay các ngài, con chỉ dùng nơi này một thời gian ngắn thôi. Do đó, xin các ngài đừng ưu phiền hay tức giận, ganh tức, hay e ngại. Xin vì lòng từ bi, hãy giúp đỡ con và đừng gây trở ngại cho con. Xin hãy nhận lễ vật cúng dường này cũng như bất kể những gì các ngài cần.” Bạn hãy quán tưởng rằng các thần linh nhận lễ vật cúng dường, các ngài rất vui và hài lòng và cho phép bạn được sử dụng nơi này một cách an toàn. Trong kinh điển Tiểu thừa, Đức Phật giảng giải rằng, trước khi muốn xây một tu viện cần phải xin phép các vị thần thổ địa, thần cây cỏ, và các vị thần khác ở nơi đó. Nếu chúng ta không dâng lễ vật cúng dường các thần có thể tức giận và hãm hại chúng ta bằng tinh thần và vật chất. Thậm chí nếu các thần không thể hãm hại chúng ta vào ban ngày, họ cũng có thể gây cho chúng ta có những cơn ác mộng hay họ quấy nhiễu chúng ta bằng những cách khác vào ban đêm.

    Các lễ vật cúng dường như chén, đèn cầy, đèn đốt bằng bơ, hay các vật cúng thắp sáng khác, hoa, thực phẩm đặt lên bàn thờ. Thay nước cúng và thắp nhang đốt đèn trước các thời thiền. Ánh sáng bạn cúng dường tượng trưng ánh sáng bên trong của trí huệ mà bạn đang cố gắng triển khai, nhang hương sẽ tượng trưng cho đạo đức trong sạch của bạn.

    Tại sao bạn dâng cúng nhiều nước ? Dĩ nhiên không phải vì ngài Heruka lúc nào cũng khát nước. Không có chuyện là một bổn tôn thực sự ăn uống các vật cúng dường như vậy đâu. Vấn đề là tại tính keo kiệt bủn xỉn của chúng ta. Chúng ta thường cho đi nhưng lại với tính khí tham luyến, và tính khí “giấu mặt” này, một cách nào đó, hòa hợp trọn vẹn với vật dâng tặng của chúng ta. Cho nên khi bạn dâng cúng nước, tự nhiên bạn không bám luyến gì và nhờ vào việc dâng cúng nước, bạn sẽ tập quen với việc cho đi mà không có ý tham tiếc hay mong cầu. Do đó, việc cúng dường bằng nước, rất có ích lợi ; bạn chẳng tốn kém gì cả, bạn sẽ có được lợi lớn bằng một công việc nhỏ nhặt như vậy. Thêm vào đó, nước có phẩm chất quý báu, và nó chứa đựng năng lực của tất cả các loại trang sức quý hiếm ở trong.(12) Bạn hãy chú nguyện nước cúng với câu chú OM AH HUM, biểu thị thân, khẩu, tâm giác ngộ của Vajrasattva. Do đó, mặc dầu bạn đang đặt tách nước cúng lên bàn thờ, nhưng thực ra, nhờ vào sự chuyển hóa bằng câu chú nguyện bạn đang dâng cúng cam lồ phúc lạc của trí huệ và lòng bi siêu việt.

    Như tôi đề cập ở trước, việc dâng cúng các lễ vật thì rất có lợi lạc nếu được thực hiện rất thường xuyên, càng nhiều lần càng tốt. Khi tâm lười biếng, bạn nghĩ rằng : “Sự cúng dường thực sự chính là ở trong tâm nên tôi không cần phải làm các nghi lễ dâng cúng các lễ vật cụ thể lên bàn thờ.” Hãy đừng chịu thua tâm lười biếng – việc bạn dâng cúng các lễ vật là tốt hơn nhiều, trừ phi bạn đã hoàn toàn trong đại định (samadhi) – tôi có thể nói như vậy. Chỉ khi nào thường hằng trong đại định mới không làm sự cúng dường thường xuyên. Dùng thì giờ để đắm mình trong tập trung nhất tâm có thể quan trọng hơn. Nhưng khi bạn có đầy đủ thì giờ để làm những việc khác mà không có thì giờ sửa soạn cho một bàn thờ được tươm tất thì điều ấy nói lên những xét đoán giá trị của bạn đã sai lầm như thế nào.

    Lại nữa, một phần nhỏ các thức ăn thức uống của bạn nên được chú nguyện và được cúng dường trước khi bạn dùng. Hãy cúng một ít nước trà buổi sáng trong một chén nhỏ, một phần bữa ăn trưa trong một cái dĩa. Việc làm như vậy rất có ích lợi để giảm bớt sự tham luyến, ích kỷ và để phát triển sự độ lượng, rộng rãi.

    Vào cuối ngày, bạn lấy thức ăn đã cúng, đem đi khỏi bàn thờ, và bạn sẽ ăn nó vào ngày hôm sau. Bạn có thể dâng cúng những thứ khác ngoài những thứ mà tôi đã nói. Và, bằng tâm mình, bạn chuyển hóa những thứ dâng cúng thành ra những lễ vật cúng vô lượng, những thứ tốt nhất của các loại như cam lồ, hoa, nhang, đèn, nước hoa, thức ăn, âm thanh và những thứ khác nữa và cùng với những thứ dâng cúng này, mọi thứ trong vũ trụ cũng được chuyển hóa thành ra những lễ vật cúng phúc lạc tối thượng như chúng ta làm khi chúng ta dâng cúng mạn đà la.

    Tất cả những việc làm này chưa hẳn là việc quan trọng nhất mà bạn có thể làm nhưng chúng rất có ích trong sự phát triển tâm linh của bạn.

     

    Back

     

    Phước Huệ Temple
    Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
    Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org