Events Calendar


September 2012
M T W T F S S
1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30

Advertisement





 

Dạo Quanh Tổ Đình | Đôi Nét Về Chùa

Chùa Phước Huệ của người Việt tại Úc

Trên một con đường náo nhiệt trong khu kỹ nghệ của vùng Wetherill Park, quí vị sẽ tìm thấy một ngôi chùa được coi là nơi an trú tinh thần của các du khách muốn viếng thăm. Tường bao quanh chùa có hình thức lũy tre xanh như ở một ngôi làng Việt nam, và cờ Phật giáo năm màu (xanh, vàng, đỏ, trắng và cam) được treo phất phơ trong gió. Quí vị hãy chạy xe vào bãi đậu để tham quan trung tâm Phật giáo quan trọng nầy ở Úc-đại-lợi. Chùa nầy hoạt động như là một trung tâm giáo dục và một tu viện Phật giáo, nhưng cũng đón nhận tất cả mọi người muốn tìm bình an trong tâm hồn.


Kiến trúc và biểu tượng

Cổng Tam quan của chùa có ba mái cong và trên đỉnh có hình Pháp luân (bánh xe pháp). “Pháp” nghĩa là lời dạy của đức Phật về con đường giác ngộ. Trên cổng cũng có hình rồng và hoa sen. Rồng là loài vật linh thiêng được kính trọng - chúng có thần thông và có thể sống dưới nước, trong lòng đất hay bay trên trời. Hoa sen cũng là biểu tượng quan trọng trong truyền thống Phật giáo, bởi vì nó tượng trưng cho nhiều giáo nghĩa quan trọng. Hoa sen mọc trong bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn, nó vượt khỏi nước đục và bùn nhơ để vươn lên tới sự thanh khiết của bầu trời. Hoa sen cũng mang hột khi nở xòe, tượng trưng cho khả năng giác ngộ tiềm tàng (Phật tánh) trong mọi chúng sanh hữu tình. Cọng sen thì rỗng - tượng trưng cho giáo lý vô ngã của đức Phật.


Ngay sau cổng Tam quan là ngôi chánh điện, với dàn rồng oai mãnh ở phía trước. Hai chú rồng nầy là công trình của nghệ sĩ chánh gốc người Việt để nói lên huyền thoại “con rồng cháu tiên” của dân tộc Việt nam. Vào dịp lễ Trung thu, trên cửa trước của chánh điện được treo một lồng đèn hoa sen thật to. Hai bên cửa vào chánh điện là hai tượng thần giữ chùa, hay thần Hộ pháp. Pháp là con đường dẫn tới sự giác ngộ, và là giáo lý trung tâm của đạo Phật. Bên phải là thần hộ pháp Vi-đà - và bên trái, tượng cầm Thanh long đao là ngài Quan công, vị tướng quân nổi tiếng người Trung quốc đã phát nguyện bảo vệ chùa chiền Phật giáo sau khi thần hồn của ngài được vị tổ Thiên thai tông nhận làm đệ tử. Sự có mặt của Quan công là một sắc thái đặc biệt của tông Phật giáo Đại thừa nầy. Bên trong chánh điện là tượng Phật Thích-ca ngồi trên tòa Kim cang, và hệ thống ánh sáng gồm đèn nê-ông sắp theo hình Pháp luân trên trần. Không thấy có chiếc ghế nào, vì người dự lễ phải ngồi hay quì trên sàn chánh điện. Khách vào chánh điện phải cởi giày, và tránh đưa chân về hướng có tượng Phật hay Bồ-tát.


Bên trái của chánh điện là một hang động được dùng làm nơi riêng biệt để ngồi thiền. Một cây cầu nhỏ bắc trên ao cá và dẫn vào cửa hang động, được gọi là cầu Giải khổ. Đứng ở tòa sen trên ao cá là pho tượng cao năm thước của đức Quán thế âm Bồ-tát, thường được gọi là vị Bồ tát Từ bi, cứu khổ. Phần sau của chánh điện là Tổ đường, cũng được dùng làm nơi thờ tự chư hương linh. Nam và nữ được thờ riêng ở hai mặt đối nhau. Ngay cửa vào Tổ đường, khoảng giữa chính diện là hình Đạt-ma Tổ sư và pho tượng lớn của Trí giả Đại sư, vị tổ sư người Trung quốc đã sáng lập tông Thiên thai. Thân nhơn để hình của người chết tại đây để hương linh được gần Phật và có cơ hội nghe kinh kệ hằng ngày. Bên phải của chánh điện là một cội Bồ-đề bằng xi măng, phía dưới có tượng đức Phật Thích-ca đang ngồi thiền, hai bên có Long thần và Hộ pháp bảo vệ.


Khu đất phía sau của chánh điện có một cây Bồ-đề sum sê, trồng từ hạt giống của cây Bồ-đề nguyên thủy tại Bồ-đề Đạo tràng ở Ấn-độ, nơi đức Phật Thích-ca thành đạo. Ngồi dưới cây Bồ-đề nầy là tượng Bồ-tát Di-lặc, vị Phật tương lai, với thân hình phốp pháp và nụ cười rất tươi, mặc dù bị sáu đứa nhỏ (tượng trưng cho Lục tặc) đeo phá bên mình. Bên cạnh tượng Phật Thích-ca lộ thiên là hồ sen có trang trí 7 đóa hoa, tượng trưng cho 7 bước đi của đức Phật, theo huyền thoại khi ngài mới sanh ra. Người ta thường đem cá kiểng thả vào hồ sen nầy, coi như phóng sanh làm phước. Gần hồ sen có điện Tây phương Tam thánh (Di-đà, Quán âm, Thế chí) và kế đó là cái đại hồng chung. Thái tử Charles của Anh quốc đã dộng chuông nầy khi đến viếng chùa. Chuông và trống Bát-nhã được đặt trên lầu chuông và lầu trống của chánh điện, và được đánh lên trong những dịp lễ đặc biệt để đón chào vị Khai sơn Tông trưởng là Hòa thượng Phước Huệ cùng với quan khách. Cái đại hồng chung với âm thanh thật trầm hùng thì được dộng lên trong những dịp lễ hay mùa an cư, để thanh tâm đại chúng và báo hiệu cho dân chúng ở vùng phụ cận. Nổi bật nhất ở khu đất sau của chùa là Bảo tháp Xá-lợi cao 30 mét gồm 7 tầng, để thờ xá-lợi nguyên thủy của đức Phật, và tro cốt của thân nhân Phật tử. Bảo tháp nầy được khánh thành ngày 28/7/2002 với sự đóng góp công sức và tài trợ của cộng đồng người Việt tại Úc.


Sinh hoạt văn hóa và cộng đồng

Chùa Phước Huệ là ngôi chùa có rất đông Phật tử. Như vào dịp Tết Nguyên đán, lễ đón giao thừa có khoảng trên dưới 40.000 người tham dự. Chùa xiển dương Phật giáo như là một lối sống hoàn mỹ và con đường dẫn tới giác ngộ. Ở Việt nam cũng như nhiều nước Á châu khác, Phật giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn là trọng tâm của nền văn hóa và một bộ phận quan trọng của xã hội. Chùa chiền cũng là những trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi mà nền văn hóa dân tộc có thể được duy trì và phát triển. Chùa Phước Huệ cung cấp dịch vụ cho nhiều hạng khách thập phương, và các hoạt động khác. Du khách có thể thưởng thức khung cảnh an tịnh và lối kiến trúc độc đáo của chùa, nơi đây có thể là nơi an dưỡng tinh thần để họ có thể thư giãn và phản ánh nội tâm. Vào những ngày cuối tuần, khách tham quan có thể mua thức ăn chay tại chùa. Mọi người có thể đặt câu hỏi để biết thêm về Phật pháp hay những sinh hoạt ở đây. Nhiều Phật tử thuộc các truyền thống khác nhau (Tiểu thừa, Thiền, Tịnh độ, Mật tông, vv…) thường đến chùa để thắp hương, cúng bái thân nhơn đã khuất, lễ Phật và cúng dường hoa quả. Những sinh hoạt cổ truyền nầy có thể mở đường cho sự quan tâm sâu xa hơn của quần chúng, về cung cách lễ nghi của Phật giáo. Chùa cũng đóng vai trò giảng dạy rất quan trọng.


Tuy đối tượng ban đầu là cộng đồng người Việt tại Úc, chùa cũng rất tích cực mở rộng hoạt động và liên hệ với các cộng đồng khác. Ngày càng có thêm nhiều buổi giảng pháp bằng Anh ngữ, và nhiều hạng người tham dự các khóa tu ngắn hạn. Trong khi phần lớn sự giảng dạy là bằng tiếng Việt, bạn cũng nghe các giảng sư nói tiếng Quảng đông, Quan thoại và tiếng Anh. Nhiều bài vở được dịch sang tiếng Việt và đã có một số giảng sư từ xứ Tây tạng, Sri-lanka Miến-điện, Đài-loan, Anh quốc, Hoa kỳ, Trung quốc, Thái-lan, và các trung tâm khác ở Úc - đến viếng và thuyết pháp tại chùa. Trên thực tế, chùa có nhiều mối liên hệ quan trọng trong và ngoài nước Úc. Hòa thượng Khai sơn là vị khai thỉ của Giáo hệ Phước Huệ - và bởi vì ngài trụ trì ở đây, chùa nầy là trụ sở trung ương của hệ thống. Tăng ni từ các chùa bạn thường xuyên đến thăm viếng chùa. Phước Huệ Tòng lâm đã nhanh chóng trở thành một địa điểm quan trọng để cổ xúy cho nền hòa bình và đa văn hóa của xứ Úc. Trong năm 2000, một buổi lễ “Cầu nguyện cho Hòa bình” tại chùa đã qui tụ được các cộng đồng Việt-nam, Căm-bốt và Lào ở vùng Fairfield. Các Lạt-ma Tây tạng đã làm nghi lễ chúc phúc cho chùa. Lễ tuyên thệ nhập quốc tịch để kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Luật Quốc tịch Úc, cũng đã được tổ chức tại đây.


Chùa cũng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chánh trị - như đức Đạt-lai Lạt-ma và chư tôn đức khác từ khắp nơi trên thế giới, Thái tử Charles, và đại diện các cấp chánh quyền Úc. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến thăm Hòa thượng Phước Huệ hai lần: một lần khi chùa còn là một ngôi nhà nhỏ ở Fairfield và một lần vào năm 1996 tại chùa Quang Minh ở Melbourne. Hoà thượng là một vị Pháp sư được quốc tế ngưỡng mộ, ngài là một trong số ít người Úc được nói đến trong quyển “Tự điển tra cứu Phật học” (Seeker’s Glossary of Buddhism).


Lịch sử và sự phát triển của chùa

Chùa Phước Huệ bắt đầu thành hình từ năm 1980 khi một nhóm Phật tử ở Melbourne bảo lãnh cho Hoà thượng Thích Phước Huệ từ một trại tỵ nạn ở Hồng Kông. Hòa thượng là một vị pháp sư thâm niên và là vị tăng Việt nam đầu tiên đặt chân lên xứ Úc. Trước đây, ngài đã từng giảng dạy Phật học ở chùa Ấn quang, một trung tâm Phật giáo quan trọng tại miền Nam Việt nam. Các buổi lễ tụng niệm công cộng đầu tiên ở Úc là lễ Vu lan đã được Hoà thượng tổ chức lần đầu tiên tại nhà thờ của linh mục Huỳnh Sang, Melbourne. Và sau đó một tuần tại một ngôi chùa Thái ở vùng Stanmore. Hai năm sau, một Niệm Phật đường được thiết lập ở vùng Fairfield. Ngôi chùa Phước Huệ hiện tại nằm tại địa điểm của trường Tiểu học Wetherill Park trước đây một trăm năm. Chùa được xây cất trong thời gian 3 năm với kinh phí gần 3 triệu đô-la, phần lớn do quyên góp từ cộng đồng. Hòa thượng thường hay du hành để làm Phật sự trong xứ Úc và ngoài nước - hiện nay đã có thêm một số chùa thuộc Giáo hệ Phước Huệ tại các tiểu bang Úc, Tân tây lan, Tân đảo và Hoa kỳ. Người ta thường nói rằng khi một ngôi chùa mọc lên, thì xã hội bớt đi được một nhà tù.


Sinh hoạt của chùa

Một ngôi chùa Phật có nhiều hoạt động khác nhau. Đây là:

  • nơi an trú tinh thần cho mọi người trong xã hội nơi gặp gỡ của những người có thiện chí nơi an dưỡng của những người tìm tâm bình an nơi bảo tồn di sản văn hóa và truyền thống dân tộc

  • nơi thờ phượng của những người tìm giác ngộ viên mãn

Các tăng ni thường trú phải giữ gìn giới luật nghiêm nhặc hằng ngày. Đa số tăng ni trẻ cũng đi học tại các trường Trung học hay Đại học. Họ được sắp xếp để có nhiều thì giờ đi học và làm bài, ngoài ra thì học Phật pháp ở chùa. Hằng ngày, tăng ni phải ngồi thiền, tụng kinh, học giáo lý và tập thể dục. Hằng năm chùa có tổ chức khoá tu ngắn hạn một tháng, từ cuối tháng 12 đến cuối tháng giêng năm sau. Tăng ni trên khắp nước Úc cũng có về tham dự. Trong các khóa tu nầy, Phật tử tại gia được cơ hội kinh nghiệm đời sống xuất gia trong một tháng. Họ được phép cạo tóc và truyền giới Sa-di. Sau khóa tu, một số sẽ ở lại làm tăng ni chánh thức, số còn lại được xả giới để trở về nhà. Các khoá tu ngắn hạn nầy được giới trẻ ưa thích – thanh thiếu niên nam và nữ đều có tham dự. Các khóa tu Bát quan trai ngày trước cũng được tổ chức một tuần một lần nhưng gần đây vì sinh hoạt trong gia đình, ngoài xã hội ngày càng bận rộn cho nên tổ chức lại hai tuần một lần tại chùa để học viên có thể học thiền, niệm Phật và nghe pháp. Khoảng một trăm học viên tu sinh có thể ngủ đêm tại chùa, để được sống một ngày trọn vẹn tại tu viện.
Khoá An cư mùa mưa được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, trong thời gian nầy, kỷ luật tu viện rất nghiêm khắc. Đây là thời gian tu học rất chuẩn mực, tăng ni phải có mặt suốt ngày đêm tại chùa. Tất cả đều tập trung tinh thần và năng lực cho việc tu tập. Mọi việc đều làm đúng theo nội qui - tăng ni hằng ngày phải tụng kinh, nghe pháp và ngồi thiền. Các buổi giảng dạy giáo lý cũng được mở rộng cho Phật tử tại gia đến nghe. Mỗi sáng, tăng ni thức giấc lúc 4 giờ 30 và bắt đầu công phu lúc 5 giờ. Trong các khoá tu thì cơm trưa là bữa ăn chính thức – tăng ni đều đắp y vàng và tụng thần chú trước và sau khi ăn. Chỉ khi nào có lễ đặc biệt thì Hoà thượng mới chủ tọa bữa ăn chính thức. Sau cơm trưa, tăng ni đi thiền hành niệm Phật. Có các buổi thuyết pháp trong ngày, và các tăng ni lớn tuổi cũng phải nhín thì giờ để giúp việc nấu nướng hay quét dọn. Thứ bậc được tôn trọng nghiêm túc trong chùa, nhưng tuổi đời thì không quan trọng. Tuổi đạo hay tuổi hạ được tính bằng số năm mà vị tăng hay ni đã tham dự khóa An cư. Tăng ni thâm niên được ngồi trước và đi trước các vị ít tuổi hạ hơn. Hai dịp lễ quan trọng được cử hành hằng năm tại chùa là lễ Vu-lan và ngày Phật đản sanh. Sau mùa An cư, tăng ni xuất hạ với tinh thần rất cao.
Lễ Vu-lan được tổ chức vào dịp nầy, và nhiều Phật tử tại gia đến chùa để cúng dường cho tăng ni, khi sức mạnh tinh thần của chư tôn đức lên cao điểm sau mùa An cư. Đây là dịp để người Phật tử tưởng nhớ đến ông bà, và cúng dường cho cha mẹ đang sống hay đã chết. Thường thì Phật tử thỉnh cầu chư tăng ni tụng kinh hộ niệm cho thân nhơn của họ. Chùa Phước Huệ cũng tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, kể cả lớp võ thuật Thiếu lâm vào sáng thứ Bảy. Ngày Chúa nhựt, có lớp dạy Việt ngữ từ mẫu giáo đến lớp 7, 8. Tiếng Quảng đông và Quan thoại và nhiều lớp toán cho các cấp học cũng được dạy ở chùa. Chùa là một trung tâm sinh hoạt quan trọng cho giới trẻ, với phòng điện toán và hệ thống Internet để trợ giúp cho học sinh. Đoàn Thanh niên Phật tử cũng nhóm họp tại chùa để nghe pháp hay học tập ca vũ. Nhóm nầy đặt trọng tâm trên các sinh hoạt ngoài trời và cắm trại.


Nghi thức viếng chùa

  • Trang phục nghiêm chỉnh, tránh mặc váy ngắn và quần ngắn vào chùa Cởi giày trước khi vào chánh điện hay Tổ đường Giữ im lặng và thái độ cung kính Không được mang thịt cá hay rượu vào khu vực chùa Không được đem thực phẩm hay thức uống vào chánh điện Xin tôn trọng quyền riêng tư của chư tăng ni

  • Khi đi chung quanh chùa, nên đi theo chiều kim đồng hồ để tỏ ý tôn kính bằng cách giữ cho vai phải của mình hướng về phía chánh điện.

Chùa mở cửa cho quan khách: từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều Chùa cũng hoan nghinh các nhóm tham quan và học sinh viếng chùa.

 

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org